Giải tỏa áp lực đô thị

Việc di dời nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm, cơ sở y tế... ra khỏi nội đô không những giảm tác động về ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần giải tỏa những áp lực mà hạ tầng đô thị đang chịu nhiều sức ép.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg, giao nhiệm vụ cho thành phố Hà Nội xây dựng biện pháp lộ trình di dời, sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nội thành, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 450 ha tại các khu công nghiệp để phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô, cũng như quỹ đất để di dời trụ sở các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, sự thay đổi về cơ chế, thiếu nguồn vốn triển khai..., khiến tiến độ di dời rất chậm trễ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, tám sở, ngành của thành phố đã di dời trụ sở làm việc trong nội đô sang khu liên cơ quan Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Tuy nhiên, trong số chín bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng trụ sở mới, chỉ một bộ bàn giao lại trụ sở cũ. Trong bốn quận ở trung tâm thành phố có 26 trường đại học, thì chỉ có Trường đại học Y tế công cộng thực hiện di dời.

Đối với cơ sở gây ô nhiễm, năm 2016, thành phố đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng cũng chỉ di dời được gần 70 cơ sở sản xuất. Hiện còn rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất đai.

Để đẩy nhanh tiến độ di dời, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp quy định của Luật Đất đai; đồng thời ban hành cơ chế di dời, như chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp quy hoạch, liên doanh liên kết để thực hiện dự án tại nơi di dời... tạo cơ chế phù hợp cho các cơ sở di dời thực hiện.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Nguyễn Đức Hùng cho biết, định hướng đối với việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp là ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có không gian, kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa sẽ được nghiên cứu để thực hiện bảo tồn, tôn tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang thực hiện rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, gắn với định hướng phát triển đô thị là cơ hội rất tốt để điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp trong việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nội thành.