Quy hoạch - Ðầu tư

Chiến lược dài hạn cho nhà ở xã hội

Ðể phát huy và nhân lên tính nhân văn của nhà ở xã hội, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong quá trình giám sát đầu tư xây dựng và có chiến lược dài hạn, tổng thể cho phát triển nhà ở xã hội, để người có thu nhập thấp tại đô thị được an cư thuận tiện.

Hà Nội trong nhiều năm qua được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà ở xã hội ít được quan tâm hơn, nhiều dự án không có người mua do thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm và giá bán chưa phù hợp… Thế nhưng điều dư luận quan tâm hơn, là quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội chưa tương xứng và có dấu hiệu bị các chủ đầu tư "bỏ quên". Trong báo cáo chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập về xây dựng nhà ở xã hội, trong đó, Hà Nội chỉ đạt 16% tổng diện tích sàn so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc cho phép nộp bằng tiền thay cho việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha là không phù hợp quy định Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Ðất đai năm 2013.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh sách 23 dự án nhà ở thương mại, nhà ở, khu đô thị thuộc diện thanh tra việc dành 20% quỹ đất dự án để xây nhà ở xã hội, như: Khu tái định cư Ðông Hội, huyện Ðông Anh, nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì, khu nhà ở, văn phòng, nhà trẻ ngõ 622 đường Minh Khai, khu nhà ở Tây Mỗ, nhóm nhà ở Ðông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài, Khu đô thị Nam đường Vành đai 3, Khu đô thị Thịnh Liệt, Khu đô thị mới CEO Mê Linh, Khu đô thị mới Ðại Kim, Khu đô thị mới Thanh Lâm-Ðại Thịnh, Khu đô thị Gia Lâm… Việc rà soát này nhằm nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai. Ðồng thời cũng là dịp để cơ quan chức năng chấn chỉnh hoạt động của chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp quy hoạch ban đầu.

Theo ý kiến của các chuyên gia quy hoạch, để phát triển nhà ở xã hội, thu hút người dân có nhu cầu vào ở, rất cần có quỹ đất gắn kết với nơi làm việc và dịch vụ công cộng tạo thành các khu liên hợp: Khu công nghiệp-nhà ở công nhân-dịch vụ công cộng, trường đại học-ký túc xá sinh viên-dịch vụ công cộng. Ðặc biệt, cần phải có quy hoạch đồng bộ kết cấu hạ tầng được phát triển theo quy hoạch đô thị, tạo điều kiện thuận lợi để người dân cải thiện, nâng cao chất lượng chỗ ở ■ 

Nguyên Ðào