Sáng tạo từ chiếc nón làng Chuông

Với niềm say mê, tình yêu với nghề truyền thống quê hương, từ chiếc nón lá thông thường, nghệ nhân Tạ Thu Hương (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) đã tạo ra nhiều loại nón mới, nhưng vẫn đậm chất truyền thống. Ðó là nón lụa, nón lá sen, nón chùm, nón xòe... đem lại giá trị kinh tế cao, được khách hàng trong nước và nước ngoài ưa chuộng.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương giới thiệu những sáng tạo từ nghề nón lá.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương giới thiệu những sáng tạo từ nghề nón lá.

Cầm chiếc nón lá sen trên tay, bất kỳ ai cũng ngạc nhiên. Chiếc lá sen vẫn giữ nguyên hình dáng đến từng đường gân, thớ lá, nhưng lại được phủ một cách khéo léo lên khung, tạo thành chiếc nón đội đầu. Cây sen vốn là biểu tượng văn hóa Việt Nam, đại diện cho vẻ đẹp của đồng quê. Chiếc nón cũng là một biểu tượng của văn hóa Việt, nhất là gắn với hình ảnh người phụ nữ dịu dàng. Cầm chiếc nón lá sen, người ta có cảm giác như hương đồng gió nội đâu đây. Chiếc nón lá sen, dù là loại nón chóp thông thường hay nón ba tầm, đều được rất nhiều người ưa thích. Ðây chính là một trong nhiều sáng tạo độc đáo của nghệ nhân Tạ Thu Hương, người con của làng Chuông. Chị Hương cho biết: “Từ lâu tôi đã nghĩ đến việc thay đổi kiểu dáng, chất liệu làm nón, để tạo nên những sản phẩm đặc sắc. Trong đó, có việc làm nón từ lá sen. Ðặc điểm của lá sen rất khác so với loại lá làm nón thông thường, cho nên phải trải qua nhiều công đoạn xử lý nguyên liệu. Tuy nhiên, khi ra thành phẩm, tôi rất ưng ý. Ngoài làm bằng lá sen đơn thuần, tôi còn cho tạo hình những hình ảnh đậm chất Việt Nam trên nón lá sen để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhất là khách du lịch”.

Sinh năm 1968, ở làng nghề truyền thống làm nón, như nhiều người dân khác ở ngôi làng ven sông Ðáy này, chị Hương quen với công việc làm nón từ khi mới lên bảy tuổi. Thời trước, chiếc nón là trang phục không thể thiếu của người phụ nữ, cho nên nghề làm nón rất phát triển. Nhà nào cũng phơi nón trắng sân. Khi chị Hương đến tuổi trưởng thành cũng là lúc nhu cầu của xã hội thay đổi. Nhiều loại mũ thay thế dần chiếc nón. Nghề làm nón đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, nhưng ngày công lao động thấp. Nhiều hộ gia đình dần bỏ nghề. Nhưng chị vẫn miệt mài khâu nón và luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để phát triển nghề truyền thống của quê hương. Với suy nghĩ ấy, chị không chịu “ngồi đợi” khách đến với làng nghề mà vừa sản xuất, vừa thu gom nón của địa phương đem lên khu vực hồ Hoàn Kiếm, chợ Ðồng Xuân để bán. Nghề không phụ công người. Khoảng năm 1990, chị Hương nhận được hợp đồng lớn đầu tiên trong đời, với lượng hàng lên tới gần 20 nghìn chiếc. Số nón này được xuất đi nước ngoài. Khi đó còn trẻ tuổi, đơn hàng lại lớn, nhưng nghĩ đây là cơ hội để có thể khôi phục nghề. Chị “đánh liều” cam kết hợp đồng. Sau khi nhận hợp đồng, nhiều đêm chị mất ngủ. Không thể tự mình sản xuất số lượng lớn, chị đặt nhiều hộ gia đình có tay nghề trong làng, sau đó tự mình kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng sản phẩm. Ðến khi giao sản phẩm xong chị mới thở phào. Qua chuyến xuất hàng đó, chị nhận ra chiếc nón làng Chuông vẫn còn cơ hội lớn trong tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Ðó là động lực để chị Hương lặn lội khắp nơi, sẵn sàng bỏ tiền túi để được tham gia các hội chợ, liên hoan làng nghề, du lịch để tìm kiếm cơ hội phát triển.

Ði nhiều, tiếp xúc nhiều, chị nhận thấy nếu chỉ sản xuất chiếc nón chóp, ngày công của người lao động thấp. Nhu cầu của thị trường thì ngày càng đa dạng. Khách nước ngoài đòi hỏi những sản phẩm phong phú, hấp dẫn hơn. “Phải đổi mới thì mới có thể phát triển làng nghề và đem lại thu nhập cao hơn cho người lao động”, chị Hương luôn nghĩ thế. Ðể làm ra chiếc nón phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Nghệ nhân Tạ Thu Hương đã thiết kế mẫu, thuê làm khuôn, sau đó cho khâu thử. Không ít mẫu đã làm thử mà phải bỏ đi vì không phù hợp, khiến chị tiêu tốn không ít công sức, tiền của. Nhưng nhờ sự kiên trì ấy mà chị tạo ra được nhiều mẫu nón mới như: Nón bộ, nón chùm, nón xòe... Chị cũng thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau để làm nón.

Ngoài nón lá sen, một trong những sản phẩm nghệ nhân Tạ Thu Hương ưng ý nhất là nón lụa. Chị mua lụa Hà Ðông về, tiến hành một số công đoạn xử lý để lụa dai hơn, bền mầu hơn. Bên trong, chiếc nón vẫn được làm theo phương pháp truyền thống, nhưng bên ngoài được phủ vải lụa. Chất liệu lụa mềm, việc căng lụa lên rất khó, dễ bị phồng, đòi hỏi tay nghề cao, sự cẩn thận trong từng mũi khâu. Nhưng khi người thợ đưa chiếc nón rời khuôn, ai cũng phải bất ngờ. Tơ lụa vốn óng ả, có độ bóng, khi người phụ nữ đội lên, ánh sáng mặt trời tăng độ khúc xạ làm tôn vẻ sang trọng, độc đáo. Nón lụa càng đẹp hơn nếu kết hợp với áo dài. Năm 2017, nghệ nhân Tạ Thu Hương lần đầu giới thiệu ra thị trường sản phẩm nón lụa. Ngay lập tức nón lụa nhận được nhiều phản hồi tích cực. Khách du lịch ưa thích vì sự mới lạ, sang trọng, đồng thời, chất liệu lụa khiến việc vận chuyển đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn so với nón lá. Những chiếc nón lụa nhanh chóng theo chân khách quốc tế mang hình ảnh văn hóa Việt Nam đi khắp thế giới.

Cơ sở sản xuất của chị Tạ Thu Hương ngày càng phát triển. Hiện chị còn tạo công ăn việc làm cho 30 lao động trong làng. Ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, chị Hương đã liên kết với các tua du lịch đưa khách về thăm làng kết hợp chỉ dẫn khách trải nghiệm quy trình làm nón tại làng nghề, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Những ngày này, dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Theo chị Hương, đó là khó khăn chung của những nghệ nhân làng nghề hiện nay. Chị bày tỏ mong muốn các nghệ nhân làng nghề cần được hỗ trợ để tạo thêm kênh bán hàng để giải quyết khó khăn trước mắt, cũng như đó là giải pháp lâu dài để duy trì, phát triển làng nghề.