Một tấm lòng với di sản

Bảo tàng Hà Nội đang thi công để phục vụ công tác trưng bày. Trong số những hiện vật sắp trưng bày có hai chiếc mỏ neo “khổng lồ” do một người dân hiến tặng. Đó là ông Quách Văn Địch (trong ảnh), một người dân Hà Nội bình dị, nhưng có tấm lòng sâu nặng với văn hóa Thăng Long.

Một tấm lòng với di sản

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà chia sẻ: “Trước đây, Bảo tàng Hà Nội bị khuyết thiếu rất nhiều hiện vật trưng bày so với kịch bản đề ra. Trong đó, hiện vật minh chứng cho Thăng Long từng là một thương cảng hầu như không có. Rất may, có một nhà sưu tập nghiệp dư đã tặng cho bảo tàng hai hiện vật đặc biệt, đó là hai chiếc mỏ neo. Khi đưa ra trưng bày, chắc hẳn tất cả mọi người sẽ ngạc nhiên vì kích thước “khổng lồ” của mỏ neo này”.
 
 Nhà sưu tập đặc biệt ấy là ông Quách Văn Địch, một người dân phố cổ Hà thành. Ông Địch vốn không phải nhà sưu tầm cổ vật chuyên nghiệp. Hơn 20 năm trước, trong một lần đi chơi trên sông, ông Địch tình cờ thấy ở góc sà-lan có một chiếc mỏ neo rất lạ. Mỏ neo làm bằng gỗ, đầu bịt sắt, buộc bằng thừng vô cùng chắc chắn. Chiếc mỏ neo có kích cỡ rất lớn, chiều dài đến hơn 6 m, có hai ngạnh, được vớt ở sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Không phải người chơi cổ vật, cũng không am tường lắm về chiếc mỏ neo kỳ lạ này, nhưng không hiểu sao, ông Địch “mê” luôn. Ông “xuống tay” tới tám cây vàng để “rước” mỏ neo về. Ông Địch lúc ấy mở một nhà hàng trên phố Hồng Hà, chiếc mỏ neo được trưng ở nhà hàng, để thể hiện cái độc đáo của ông chủ. Chính nhờ thế, cơ duyên đưa ông đến với chiếc mỏ neo thứ hai. Một người dân chài biết ông Địch mua mỏ neo trước với giá cao để trưng bày, đã đem tới “chào hàng” một chiếc mỏ neo lạ khác. Chiếc mỏ neo này cũng là đồ cổ, nhỏ hơn chiếc cũ một chút và chỉ có một ngạnh. Mừng quá, vả lại cũng sợ người khác mua mất, ông Địch “chốt” liền, với giá ba cây vàng. Đôi mỏ neo khiến nhà hàng trở nên nổi tiếng, nhiều người đến ăn uống để ngắm đôi mỏ neo kỳ lạ này.
 
 Và trong số những khách hàng đó, nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài tìm đến giao lưu với ông để được nghiên cứu đôi mỏ neo. Có người bảo cặp mỏ neo này có lẽ có từ thời Trần. Có chuyên gia lại bảo tuổi của nó vào khoảng thế kỷ 17. Những tay chơi cổ vật cũng mách nhau tìm cách “săn” mỏ neo của ông Địch. Người ta bắt đầu gọi ông bằng cái tên Địch “mỏ neo”. Có những nhóm tìm đến nhà ông Địch dăm bảy lượt để gạ ông bán. Nhưng họ chỉ nhận được cái lắc đầu. “Thú thật, hai năm sau khi mua chiếc mỏ neo, có người trả tôi đến 150 nghìn USD. Tôi quá bất ngờ với số tiền ấy, nhưng không có ý định bán”, ông Địch cho biết.
 
 Việc từ chối những món tiền lớn bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa. Ông Địch sinh ra ở phố Hàng Bè, gắn bó với mảnh đất Hà thành. “Hồi bé, chúng tôi vẫn tắm trên dòng sông Hồng. Trong lịch sử, Thăng Long từng có bến sông lớn, là nơi có nhiều thuyền lớn ghé vào. Nếu đôi mỏ neo thuộc về những chiếc thuyền ấy thì tôi đang giữ hiện vật về một thời lịch sử của Hà Nội”, ông Địch nhớ lại. Thế rồi, ông Địch bắt đầu hành trình làm rõ lai lịch của những chiếc mỏ neo. Khảo cổ học dưới nước của Việt Nam thời kỳ ấy chưa phát triển cho nên ông gặp rất khó khăn để tìm thông tin. Một thời gian sau, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tiến sĩ Khảo cổ học Vũ Thế Long đã làm đầu mối giúp ông liên lạc với nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài khác tuy nhiên việc làm rõ lai lịch những chiếc mỏ neo này vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ mới gần đây, các chuyên gia đến nghiên cứu tại Bảo tàng Hà Nội cho rằng, hai chiếc mỏ neo ra đời vào thế kỷ 17 và được làm theo phong cách Nhật Bản.
 
 Khi ông Địch vẫn đang trên hành trình tìm hiểu về đôi mỏ neo của mình thì một ngày nhận được cuộc gọi của đại diện Bảo tàng Hà Nội. Bảo tàng đang vận động người dân hiến tặng hiện vật để trưng bày. Gần 20 năm sở hữu đôi mỏ neo, quá trình đi tìm lai lịch khiến ông càng thêm gắn bó. Trong thâm tâm, là người con Hà Nội, ông vẫn muốn làm gì đó cho quê hương. Nhưng chia tay một hiện vật mà mình gắn bó, đồng thời cũng là cả một món tài sản lớn không phải điều dễ dàng. Suy nghĩ khá nhiều, rồi ông Địch quyết định liên lạc với Bảo tàng Hà Nội, biến đôi mỏ neo của mình thành của mọi người. Đó là thời điểm cuối năm 2017. Một năm sau, ông Địch được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Việc làm.
 
 Nhà ông Địch không còn ở đường Hồng Hà. Ông chuyển sang phố Bồ Đề, quận Long Biên. Vậy là cuộc đời ông, vẫn cứ quẩn quanh bên con sông này, từ tuổi thơ đến khi đầu bạc. Bây giờ, Bảo tàng Hà Nội chuẩn bị trưng bày hai chiếc mỏ neo. Mong ước đem di sản quý báu đó đến người dân đã thành hiện thực, ông Địch cho biết: “Điều tôi mong muốn là đôi mỏ neo này được Bảo tàng Hà Nội bảo quản cẩn thận, để giới thiệu với mọi người, để mọi người thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội”.