“Kết duyên” cho mây và gốm

Có người làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nói đùa: “Cứ đưa mây, tre, chúng tôi có thể đan… cả thế giới”. Trong câu nói đùa đó có một sự thật, đó là sự sáng tạo dường như vô hạn từ mây, tre. Và điều đó cũng rất đúng với một nữ nghệ nhân ở ngôi làng mây, tre đan - nghệ nhân Nguyễn Thị Hân.

Tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm vào cuối năm 2019, gian hàng giới thiệu nghề mây tre đan Phú Vinh thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách tham quan. Không ai ngờ, từ chất liệu mây, tre, nghệ nhân đã tạo ra những túi xách, đèn trang trí, đèn ngủ, gương, khay trà, thậm chí cả… đồ trang sức. Riêng đèn trang trí có rất nhiều kiểu dáng khác nhau, từ đèn chụp cho đến đèn trang trí cách điệu… Nhiều sản phẩm được phối với chất liệu gốm, giúp tạo ra dòng sản phẩm mới, độc đáo. Người có vinh dự đem sản phẩm của Phú Vinh đến với công chúng là gia đình anh Hoàng Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Hân.

Nói đến những phụ nữ khéo nghề ở làng mây, tre đan Phú Vinh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân luôn là người được mọi người nhắc đến. Nhưng điều mà ai cũng bất ngờ là chị Hân không phải người quê gốc Phú Vinh. Năm 21 tuổi, khi lấy chồng ở Phú Vinh, chị Hân mới bắt đầu học những đường đan đầu tiên. “Xuất phát” muộn, nhưng thật ra, chị mê đan lát từ trước, trong đó, có cả mê đôi bàn tay khéo léo của “ông xã”. Niềm say mê đó khiến chị rút ngắn khoảng cách từ lúc mới vào nghề đến thạo nghề. Chỉ sau vài năm về Phú Vinh làm dâu, người làng đã biết tiếng Nguyễn Thị Hân. Việc bắt tay vào nghề muộn không phải không có lợi thế. Đó là chị đem cách nhìn mới mẻ, sáng tạo khi làm ra sản phẩm, thay vì thực hiện theo lối mòn. Một trong những sáng tạo nổi bật của chị là đã kết hợp hai chất liệu mây và gốm, để tạo nên một dòng sản phẩm mới.

Năm 2005, chị Hân cùng chồng sang Bát Tràng chơi. Ngay lập tức, chị say mê những sản phẩm gốm Bát Tràng mộc mạc. Chị mở sổ, ghi chép, vẽ lại những mẫu mình yêu thích. Ngay lúc đấy, chị đã nghĩ, liệu có thể kết hợp chất liệu mây và gốm để tạo ra sản phẩm mới không. Ngay hôm sau, vợ chồng nghệ nhân quyết định sang Bát Tràng để tìm đối tác thiết kế các sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, do mới chỉ làm thử nghiệm, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân không dám đặt hàng nhiều, cho nên chưa xưởng gốm nào nhận lời. Phải một thời gian sau, chị mới tìm được một nghệ nhân có cùng suy nghĩ và cung cấp những “phôi” gốm để chị bắt tay vào thử nghiệm. Chỉ riêng việc làm sao đan cho mây gắn vào gốm đã tốn rất nhiều thời gian. Chưa kể, khi xong sản phẩm, thì cách đan của mây phải tôn vinh họa tiết, kiểu dáng của gốm và ngược lại. Thời điểm đó, do con cái còn nhỏ, muốn thành công trong công việc, nhiều hôm chị phải thức trắng. Hết đan vào, rồi lại tháo ra mà vẫn chưa ưng. Sau nhiều lần như thế, chị mới thu được thành công. Bây giờ, người tiêu dùng đã quen với sản phẩm mây - gốm, lúc ấy, đó là những chiếc bình gốm mây đầu tiên ở Việt Nam. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân kể: “Cả bố chồng và chồng tôi đều là những nghệ nhân giỏi, cho nên khi về làm dâu ở làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, tôi không thật sự tự tin. Nhưng tôi cứ học hỏi dần. Sau khi làm xong những chiếc bình gốm mây, chồng động viên tôi đem bộ bình tham gia Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2005 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Không ngờ sản phẩm được Huy chương vàng. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời, khiến tôi say mê hơn với nghề và mạnh dạn hơn với những sáng tạo”.

Sau này, chị Hân còn làm thêm nhiều sản phẩm mây - gốm nữa như: Đế lót cốc, khay trà, lọ hoa và cả túi xách… Những mẫu sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Thị Hân đem lại cho chị nhiều giải thưởng khác nhau; đồng thời, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, đòi hỏi của thị trường xuất khẩu. Xưởng mây, tre của anh Hoàng Văn Hạnh, chị Nguyễn Thị Hân thu hút khoảng 20 lao động, sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Một sáng tạo độc đáo của chị Hân là những món đồ trang sức mới lạ dành cho phụ nữ như: Vòng đeo tay, đeo cổ, khuyên tai… bằng mây, tre đan. Chỉ riêng dòng sản phẩm này đã giúp chị có khách hàng tại nhiều nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sinh năm 1981, nhưng năm 2011 chị Nguyễn Thị Hân đã được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Khi đó, nghệ nhân mới có tám năm tuổi nghề. Thời điểm ấy, chị là một trong những nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề trẻ nhất nhận được danh hiệu này.

Là người yêu nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân say mê với việc truyền tình yêu nghề mây, tre đan cho các bạn trẻ. Chị tích cực tham gia các lớp dạy nghề mây, tre đan. Hiện tại, xưởng sản xuất của chị cũng như làng nghề mây, tre đan gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi hầu hết các đơn hàng xuất khẩu bị hủy. Chị tranh thủ thời gian này sáng tạo thêm những mẫu mới và tin tưởng làng nghề sẽ sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.