Đục nước, béo cò

Gần hai tháng nay, gia đình anh Thành, chị Xuân vẫn loay hoay lo máy tính, điện thoại cho các con học trực tuyến. Nhà có hai con, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học lớp 2, vì dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cho nên ngành giáo dục Hà Nội vẫn tiếp tục tổ chức cho học sinh học trực tuyến.

Gia cảnh không mấy dư dả vì anh chị nghỉ việc mấy tháng nay, thu nhập giảm sút. Để mua được chiếc điện thoại cũ cho hai con, hai vợ chồng anh Thành mất khá nhiều thời gian tìm trên mạng. Nhiều hôm, phải đến mấy cửa hàng tìm kiếm. Tuy nhiên, điện thoại cũ nhìn bề ngoài bóng bẩy, song đem ra sử dụng chưa được bao lâu đã xảy ra trục trặc. Không ít lần, các con đang say sưa nghe cô giảng bài thì điện thoại hết pin hoặc màn hình nhòe nhoẹt. Cả hai đứa con, nhất là đứa bé bị suy giảm thị lực nhanh chóng.

Bàn đi tính lại, hai vợ chồng quyết định mua thêm một chiếc máy tính cũ để dự phòng và cũng để các con đỡ bị hại mắt hơn. Lần này, lại mày mò lên mạng tìm kiếm, rồi quyết định mua một chiếc máy tính nhìn bề ngoài khá đẹp. Việc mua bán diễn ra chóng vánh bằng hình thức chuyển khoản, nhận đồ tại nhà. Có máy tính trợ giúp, hai con hào hứng hơn, anh Thành, chị Xuân yên tâm phần nào. Tuy nhiên, nửa tháng sau, chiếc máy tính lại phập phù, gọi điện cho người bán thì không liên hệ được. Chật vật đem máy tính đến tận cửa hàng uy tín ở phố Lê Thanh Nghị để sửa, anh Thành sững sờ được nhân viên ở đây cho biết máy tính này bị người bán "gia cố" từ đồ cũ hỏng bỏ đi… Trong bối cảnh nhiều gia đình cần kíp xoay xở các thiết bị cho con học online thì một số cá nhân lợi dụng cơ hội để "đục nước, béo cò" bằng cách nhập nhèm bán đồ cũ hỏng, kém chất lượng lừa gạt người tiêu dùng. Hành vi này thật đáng lên án.