Cần hành xử cho phù hợp

Từ hôm bà Hạt chuyển về khu tập thể cũ sinh sống, những người chung quanh thấy phiền toái vô cùng. Là người sùng bái chuyện cúng lễ, kiêng kỵ, bà Hạt đều đặn gõ mõ tụng kinh một ngày vài ba chặp, khổ nhất là nhằm lúc sáng sớm tinh mơ hoặc đêm muộn.

Lúc khấn mỏi miệng, bà mở loa tụng kinh ghi âm sẵn. Có người góp ý, bà vặn nhỏ âm thanh xuống đôi chút, nhưng tiếng loa vẫn lọt ra khỏi căn phòng chật chội. Không chỉ khổ bởi tiếng tụng kinh suốt ngày đêm, nhiều việc khác cũng gây bất tiện. Hôm bà Hạt làm lễ giải hạn, rắc gạo, muối tràn lan, rồi đổ lênh láng “nước thiêng” khắp hành lang, vẩy lên cả đầu đám trẻ vừa đi học về làm chúng khiếp vía. Thêm nữa, cứ mỗi lần bà cặm cụi cúng lễ, đốt vàng mã là mùi hương nồng nặc, khói mù mịt khiến người già mắc bệnh đường hô hấp khó thở, ho sặc sụa…

Hỏi ra được biết, trước đây, cũng chỉ vì quá sa đà vào lễ bái mê muội mà bà Hạt nảy sinh mâu thuẫn với gia đình rồi phải rời nhà sang khu tập thể này thuê ở một mình. Thế mà, bà vẫn tiếp tục hành vi khấn khứa, vi phạm nếp sống văn hóa nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng. Chuyện tâm linh, khấn vái là nhu cầu cá nhân, nhưng nên hành xử sao cho phù hợp, đúng địa điểm, không gian, thời gian, tránh gây phiền toái cho những người chung quanh.