Bí thư Đoàn “miệng nói, tay làm”

Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bí thư Đoàn  Thanh niên xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có hơn một năm gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học và từng làm việc cho các tổ chức phi chính phủ với mức thu nhập cao.

Vì thế, không ai nghĩ rằng, cô gái sinh năm 1990 này lại bỏ việc, lựa chọn về địa phương gắn bó với công tác Đoàn với một số tiền phụ cấp ít ỏi. Thủy tâm sự: “Em yêu thích công tác Đoàn ngay khi còn học cấp hai. Vì thế, lựa chọn của em đến rất tự nhiên”.

Năm 2018, Thủy được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Cao Thành. Khoảng thời gian đầu, khó khăn lớn nhất cô gái trẻ gặp phải đó là sự khác biệt trong nhận thức và tư duy về sự đổi mới trong hoạt động Đoàn. Phần lớn cán bộ Đoàn lúc đó thường chỉ thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo từ ngành dọc đưa xuống và địa phương phân công.

Một số người lại bị động, ngại đổi mới. “Em đã chủ động xin ý kiến cấp ủy khi xây dựng các công trình, phần việc thanh niên theo hướng mở, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những công trình, phần việc đều được vận động xã hội hóa 100%”, Thủy cho biết. Tuy nhiên, cách làm mới bao giờ cũng khiến người khác hoài nghi. Ngay cả đoàn viên cũng cho rằng, cô gái trẻ quá táo bạo vì chưa có một cán bộ Đoàn nào trước đó đứng lên kêu gọi xã hội hóa.

Nói là làm, Thủy chứng minh bằng hành động cụ thể. Ngay khi được sự chấp thuận của Đảng ủy, cô gái trẻ cùng Ban Chấp hành Đoàn xã đã thực hiện công trình “Tranh tường bích họa” với diện tích hơn 200 m2, dự toán chi phí hơn 38 triệu đồng. Nguồn lực để thực hiện công trình, Thủy huy động từ chính các bạn sinh viên tại quê hương đang theo học ngành Mỹ thuật. Một số đoàn viên có năng khiếu cùng tham gia vẽ tranh. Mầu áo xanh trải khắp các đoạn đường, từ sáng tới đêm khuya đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân.

Những bức tranh tường đầu tiên mang ý nghĩa tuyên truyền, cổ động đã được người dân tán dương. Có người còn làm thơ gửi lên đài truyền thanh, mạng xã hội khen ngợi. Vì thế, công tác vận động xã hội hóa thực hiện công trình rất thuận lợi. Quan trọng hơn, công trình hoàn thành làm thay đổi diện mạo quê hương, hạn chế hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Thủy tiếp tục vận động xã hội hóa thực hiện hàng loạt công trình, phần việc thanh niên thiết thực khác như: Xây dựng và ra mắt mô hình điểm “Khu chợ dân sinh giảm rác thải nhựa”; Xây dựng hai công trình thanh niên “Khu vui chơi, vận động cho thanh, thiếu nhi”; Kết nối, kêu gọi ủng hộ được số tiền gần 27 triệu đồng để mua tặng thiết bị học tập cho học sinh nghèo trên địa bàn xã... Tổng kinh phí Thủy kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các công trình là hơn 250 triệu đồng.

Với những thành tích đạt được, Lệ Thủy là một trong những cá nhân xuất sắc vừa được Thành đoàn Hà Nội vinh danh “Cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu”.

THANH TÂM