Thành công từ đam mê môn Lịch sử

Nhờ cách học môn Lịch sử rất khoa học, sáng tạo, em Nguyễn Tùng Dương (trong ảnh), học sinh lớp 11 Sử, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã xuất sắc đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm học 2020-2021. Niềm đam mê, cách học độc đáo của Tùng Dương đã khẳng định, không môn học nào là khô khan, "khó nhằn".

Thành công từ đam mê môn Lịch sử

TÙNG DƯƠNG bắt đầu đam mê lịch sử lúc còn học tiểu học, khi được xem những bộ phim tài liệu trên VTV1. Khi đó, hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ phất lá cờ quyết chiến, chiến thắng trên nóc hầm Ðờ-cát trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã gây ấn tượng mạnh cho Dương. Hiểu được sở thích, đam mê của cháu trai, ông nội em thường xuyên dẫn Dương đi khắp các phố phường của Hà Nội để "học" lịch sử. Tình yêu với môn lịch sử của Dương lớn dần lên, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của em.

Dù yêu thích môn Lịch sử như vậy, nhưng đôi lần Tùng Dương từng nghi ngờ khả năng của bản thân khi thất bại trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020. Nhờ sự động viên của gia đình, của bạn bè, Dương lấy lại tinh thần, rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục vượt qua các vòng thi và giành giải cao nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm học 2020 - 2021.

Tùng Dương khiêm tốn chia sẻ: "Em đọc và học Lịch sử hằng ngày. Nhờ trau dồi kiến thức thường xuyên mà dần dần các kiến thức lịch sử ngấm vào em. Từ đó, em có thể nắm bắt được một lượng kiến thức lớn trong quá trình ôn luyện thi học sinh giỏi quốc gia, cộng với một chút may mắn đã giúp em có được thành công". Theo Tùng Dương, điều căn bản và cốt lõi của phương pháp học môn Lịch sử là phải học thuộc để nắm bắt những kiến thức cơ bản, nhưng không phải học thuộc một cách máy móc. Dương thường chia nội dung kiến thức ra thành các mảng nhỏ để học. Ở mỗi mảng kiến thức, Dương bắt đầu học từ các từ khóa, sau đó sẽ học kỹ nội dung chi tiết, vừa học thuộc vừa suy nghĩ để hiểu bản chất vấn đề. Nếu có bất cứ kiến thức nào không rõ thì Dương sẽ hỏi thầy, cô giáo, bạn bè hoặc tìm thêm tài liệu. Quan điểm của Dương là phải học chắc, hiểu kỹ từng phần một thì mới được chuyển sang phần tiếp theo, không vội vàng chạy theo kiến thức. Học thuộc nhưng đi cùng với đó là phải chịu khó tư duy, phân tích và phản biện. Ðó chính là phương pháp để khắc sâu kiến thức đã học, đồng thời giúp bản thân bớt bỡ ngỡ trước những câu hỏi khó và đòi hỏi tư duy cao. Nhất là với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỹ năng tư duy chính là chìa khóa tạo nên sự khác biệt giữa một học sinh bình thường với một học sinh xuất sắc.

Ngoài ra, để đạt được thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Dương phải rèn luyện kỹ năng viết, bởi hình thức thi tự luận đòi hỏi mỗi người thi phân bố thời gian để hoàn thành bảy câu trong 180 phút. Dương cho biết, em luyện viết hằng ngày, sau khi học thuộc bài trên lớp, vừa để dễ ghi nhớ, vừa để rèn khả năng viết bài sao cho vừa nhanh, vừa đủ ý, chính xác và khoa học. Sau đó em gửi bài viết của mình cho các thầy, cô giáo trong đội tuyển để xin nhận xét, góp ý và rút kinh nghiệm.

Nhìn lại những kết quả đạt được, Dương nhận định, để học tốt Lịch sử cần có niềm đam mê với lịch sử và các vấn đề xã hội nói chung. Từ đam mê thì mới có quyết tâm đọc và tìm hiểu để mở rộng vốn hiểu biết. Tư duy logic nhạy bén, nhất là tư duy phân tích, phản biện cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình khai thác các vấn đề lịch sử. Tùng Dương chia sẻ: "Em mong nhiều bạn trẻ sẽ tìm được niềm đam mê với bộ môn này. Bởi thực tế đây không chỉ là môn học giúp chúng ta hiểu rõ hơn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều; khả năng ghi nhớ để phục vụ những công việc trong tương lai".