GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Người thắp sáng nghề dệt lụa truyền thống

Hơn sáu thập kỷ gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), nghệ nhân Phan Thị Thuận (67 tuổi, trong ảnh) không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tìm ra lối đi riêng cho ngành nghề truyền thống của cha ông. Không chỉ vực dậy một làng nghề nổi tiếng trước nguy cơ bị mai một, bà còn nỗ lực phát triển, quảng bá sản phẩm tơ lụa của Việt Nam với bạn bè thế giới năm châu.

Người thắp sáng nghề dệt lụa truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở đất nghề Phùng Xá, chứng kiến nguy cơ tổ nghề bị mai một, bà Thuận đã bỏ nhiều công sức đi vận động, tổ chức các hộ nuôi tằm để gìn giữ nghề.

Nhọc nhằn hành trình giữ nghề

“Để có lá dâu cho tằm ăn, tôi từng phải đi xin, nhặt nhạnh từng lá dâu ở các bờ rào, có khi rủ người dân trong xã cùng đạp xe hơn 20 cây số xuống tận Nông trường Thanh Hà (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) để lấy lá về cho tằm ăn” - bà Thuận nhớ lại. Sau nhiều năm tâm huyết và thăng trầm với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận nhận ra rằng, muốn nghề dâu tằm tơ phát triển bền vững như mong đợi, người làm nghề nhất định phải tìm cho mình một lối đi riêng, phải đầu tư, sáng tạo những sản phẩm đặc biệt và chất lượng. Năm 2010, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được thành lập với hướng đi mới. Thay vì chạy theo việc đầu tư máy móc công nghiệp, bà có ý tưởng: Huấn luyện hàng vạn con tằm thành những thợ dệt chuyên nghiệp mà không máy móc hay con rô-bốt hiện đại nào có thể sánh kịp.

Bà Thuận cho biết: Bình thường tằm thường kéo kén tròn. Nhưng tôi đem đặt chúng cạnh nhau trên một mặt phẳng. Kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm kén phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên. Đây là một kỹ thuật quan trọng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống. Không chỉ tiết kiệm, cắt giảm được nhiều chi phí, mà hơn hết sản phẩm tằm tự dệt thật sự tinh xảo, không kỹ thuật dệt nào của con người hay rô-bốt nào có thể thực hiện thay thế được - bà Thuận khẳng định.

Từ những tấm kén phẳng do thợ tằm dệt, trải qua các công đoạn xử lý, trở thành những tấm bông tơ tơi xốp có độ liên kết bền chắc một cách tự nhiên, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao. Ý tưởng con tằm tự dệt của bà đoạt giải nhất “Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ sáu” năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công thương xét chọn. “Sáng chế Mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt” của bà Phan Thị Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích năm 2016. Năm 2020, sản phẩm khăn lụa tơ tằm, chăn bông tơ tằm của bà được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao của TP Hà Nội.

Khát vọng đưa tơ lụa Việt Nam vươn xa thế giới

Không chỉ sáng tạo trong nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống, bà Phan Thị Thuận còn được biết đến là một nghệ nhân đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Năm 2016, bà được mời tham gia đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cây lá sen”. Bằng quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý mang biểu tượng của dân tộc, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã đầu tư công sức nghiên cứu, thử nghiệm thành công tơ sen vào dệt lụa. Năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ tơ sen đã ra đời, đánh dấu thành công trong cuộc đời “xe tơ dệt lụa” của bà. Các sản phẩm làm từ tơ sen lần lượt ra đời, trong đó được ưa chuộng nhất là sản phẩm khăn quàng cổ. Để làm ra được một chiếc khăn quàng cổ dài tầm 1,7 m, rộng 0,25 m cần khoảng 4.800 cuống sen và một tháng xử lý với nhiều công đoạn khác nhau. Năm 2019, những mẫu khăn này đã được đoàn Chính phủ Việt Nam lựa chọn mang tới Hội nghị G20 làm quà tặng bạn bè quốc tế.

Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Vũ Văn Chùy đánh giá: Từ những sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tơ sen giàu tính sáng tạo, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương Phùng Xá. Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của gia đình bà đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng.

Với mong muốn những lớp trẻ sau này kế cận, gắn bó với lụa tơ tằm, tơ sen, hằng ngày nghệ nhân Phan Thị Thuận dành tất cả tâm huyết và tình yêu để truyền nghề miễn phí cho các em nhỏ. Bà mong muốn huyện Mỹ Đức sẽ sớm tái tạo lại ngành dâu tằm; xây dựng tua du lịch tâm linh ở chùa Hương gắn với du lịch làng nghề tơ tằm Phùng Xá, để các thế hệ mai sau tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm tơ lụa đặc sắc, nâng tầm sản phẩm tơ lụa Việt ở một tầm cao mới. Với những nỗ lực to lớn trong suốt cuộc đời gắn bó với nghề thủ công của quê hương, nghệ nhân Phan Thị Thuận vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của thành phố Hà Nội năm 2021.