GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Lan tỏa lối sống xanh

Từ những vật dụng bỏ đi như bìa các-tông, vỏ chai bia, vỏ gói mì ăn liền…, các thành viên nhóm "Dũng sĩ tái chế", gồm khoảng 30 sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã biến thành những đồ dùng hữu ích, đồ trang trí. Qua đó, lan tỏa lối sống có trách nhiệm với môi trường.

Nhóm Dũng sĩ tái chế tự tay làm các sản phẩm từ rác thải.
Nhóm Dũng sĩ tái chế tự tay làm các sản phẩm từ rác thải.

Vỏ gói mì ăn liền cũ, quần áo cũ, hay vỏ chai bia biến thành những bông hoa, bình hoa, những chiếc túi xách... xinh xắn. Nếu đến trụ sở của nhóm Dũng sĩ tái chế tại khu chung cư Ðồng Tàu (quận Hoàng Mai), ai cũng sẽ ngạc nhiên vì những sản phẩm độc đáo. Nhóm Dũng sĩ tái chế được thành lập vào năm 2018 bởi cô gái trẻ Cao Thị Sao Mai cùng một số bạn bè là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong hai năm qua, nhóm đã có nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, thu gom rác thải và tái chế thành đồ sinh hoạt. Tuy nhiên, những hoạt động tái chế của nhóm được biết đến nhiều hơn từ tháng 4-2020, khi Việt Nam thực hiện cách ly xã hội để chống dịch Covid-19. Theo Trưởng nhóm Cao Thị Sao Mai, khi người dân ở nhà lâu, họ sẽ xả ra một lượng lớn rác thải. Do đó, nhóm thúc đẩy việc tái chế các loại bao bì để nhắc nhở mọi người có ý thức bảo vệ môi trường.

Việc biến rác thải thành các đồ trang trí, đồ dùng gia đình đòi hỏi phải có óc thẩm mỹ, có khả năng thiết kế. Ban đầu, các thành viên đến với nhóm chủ yếu bằng sự nhiệt tình, cho nên đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau này, nhóm có sự tham gia của một số bạn học ngành tái chế, thời trang. Họ chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng tạo ra những sản phẩm độc đáo và đẹp mắt nhất. Những chiếc quần bò cũ được các bạn thu gom về, giặt sạch sẽ, sau đó thiết kế các mẫu túi xách, gối… và cắt may thành sản phẩm. Trong các loại vật liệu, tái chế vỏ gói mì ăn liền thuộc diện phải trải qua nhiều công đoạn nhất. Vỏ gói mì ăn liền được làm sạch, cắt bỏ phần không cần thiết. Các bạn phát hiện ra sau khi xử lý bằng nhiệt bằng cách là phẳng thì việc thiết kế sẽ dễ dàng hơn. Từ nguyên liệu đó, các bạn gấp, cắt các loại hoa, bình hoa; gấp, đan thành rổ hay phối hợp các vật liệu khác làm thành túi…

Hiện nay, ngoài trực tiếp bán sản phẩm hay bán hàng qua mạng, sản phẩm của nhóm Dũng sĩ tái chế còn được bán tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Do sản phẩm tận dụng nguyên liệu là những đồ bỏ đi, cho nên giá thành rất phải chăng. Các sản phẩm có giá từ 50 nghìn đến 200 nghìn đồng/chiếc. Kinh phí thu được từ bán sản phẩm được nhóm Dũng sĩ tái chế sử dụng gây quỹ bảo vệ môi trường, duy trì hoạt động tái chế, tổ chức tọa đàm, tuyên truyền về các hoạt động tái chế… Nguyễn Mai Trang, thành viên của nhóm cho biết: "Hiện nay, nhiều người đã quan tâm đến hoạt động của nhóm. Việc thu gom nguyên liệu không còn vất vả như trước, bởi sau khi đăng tải thông tin, nhiều người đã gửi đến cho chúng em nguyên liệu để tái chế".

Mong muốn của các thành viên Dũng sĩ tái chế không chỉ là tự mình tái chế rác thải, mà còn truyền thông điệp sống "xanh" đến cộng đồng, để hình thành một lối sống xanh bền vững. Bởi vậy, nhóm dự định liên hệ với các câu lạc bộ tại các trường đại học để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về kỹ thuật tái chế. Mới đây, nhóm đã mở một lớp đào tạo kiến thức về môi trường, trải nghiệm làm đồ tái chế cho các bạn nhỏ với mong muốn đào tạo ra những "Ðại sứ môi trường" để lan tỏa lối sống xanh. Hoạt động đào tạo sẽ còn được các bạn tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Phạm Mạnh Cường