Gương sáng, việc hay

Dũng sĩ diệt Mỹ và một phần đời bên nghĩa trang liệt sĩ

Ở tuổi 87, nhưng hằng ngày ông Nguyễn Khánh Toàn vẫn thường tự đạp xe từ nhà ra thăm nom Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Dù tuổi cao, sức yếu và đã có con trai tiếp quản công việc của mình, nhưng ông vẫn gắn bó với công việc đã làm suốt 30 năm nay.

Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Khánh Toàn hằng ngày chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội).
Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Khánh Toàn hằng ngày chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội).

Ông “quản trang" là cái tên thân thuộc mà bà con xóm làng ở tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thường gọi “Dũng sĩ diệt Mỹ” Nguyễn Khánh Toàn, người đã dành gần nửa đời mình bên nghĩa trang liệt sĩ của quê hương. Dáng người gầy nhỏ, có phần khắc khổ, nhưng nhanh nhẹn, ông luôn bên những ngôi mộ liệt sĩ, lau dọn, nhổ cỏ, trồng hoa, quét lá, hương khói mỗi dịp lễ, Tết, mồng một, ngày rằm... Nhờ sự chăm chút hằng ngày của ông mà nghĩa trang nơi đây luôn sạch sẽ, rợp bóng cây xanh, hoa trái và ấm áp khói hương. 

Ông Toàn sinh ra ở làng Ngọc Hà (Hà Nội), vì chiến tranh mà gia đình phải sơ tán về huyện Phú Xuyên. Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt, là con một trong nhà, nhưng ông đã làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, tham gia những trận đánh lớn ở Lai Khê, Bến Cát, Trảng Bàng... Đến tháng 8-1968, ông bị thương nặng, được ra miền bắc điều trị, sau đó ông vẫn xin ở lại chiến trường chiến đấu, đến năm 1976 mới phục viên. Mảnh đạn còn ở lại trong đầu vẫn khiến ông đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.

Trải qua nhiều năm tháng vào sinh ra tử, gắn bó với đồng đội, cho nên khi trở về địa phương, ông tiếp tục tham gia công tác đoàn thể, thương binh - xã hội... Từ năm 1986, ông  đề xuất với chính quyền địa phương được trông nom nghĩa trang liệt sĩ của quê hương mà không cần đến bất cứ chế độ, kinh phí nào. Ngày đó, nghĩa trang liệt sĩ còn rất sơ sài, chưa có khuôn viên, đất đai cằn cỗi, không có cây xanh, bóng mát... Thương đồng đội phải chịu mưa nắng, dù gia cảnh khó khăn, nhưng ông vẫn bỏ tiền trồng cây, cải tạo đất, trồng hoa, đắp mộ cho các liệt sĩ. Sau khi được địa phương bố trí kinh phí để tu bổ nghĩa trang, ông tiếp tục góp công sức xây dựng nghĩa trang ngày càng khang trang. Trên mỗi ngôi mộ, ông chăm chút trồng cây cảnh, hoa tươi để đến mùa, hoa đua sắc, giúp những người đến thăm viếng vơi xót xa, đau buồn.

Gần 33 năm, ông gắn bó, chăm chút cho từng phần mộ nơi nghĩa trang rộng hơn 1 ha, với hơn 200 ngôi mộ. Ông chủ động đi xin hương tại các ngôi chùa, các gia đình để lúc nào cũng sẵn hương khói cho các liệt sĩ, không để nghĩa trang lạnh lẽo. Ông nhớ từng tấm bia, gia cảnh từng gia đình các liệt sĩ. “Nơi đây đều là anh em, chiến sĩ cùng chiến đấu, cùng quê hương,  được “canh giấc” cho các liệt sĩ, tôi thấy bản thân sống có ích hơn, không hổ thẹn là người lính Cụ Hồ. Tri ân, chăm lo nơi yên nghỉ cho các anh cũng là tấm lòng tri ân của tôi, của mọi người đối với sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ để chúng ta có cuộc sống tươi đẹp trong hòa bình” - ông Toàn chia sẻ. 

Với tấm lòng tận tụy của mình, ông đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như Huân chương Chiến công; Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội và ngành thương binh - xã hội; Danh hiệu Người tốt - Việc tốt của huyện Phú Xuyên và TP Hà Nội nhiều năm liền, là điển hình tiêu biểu của Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đến nay, tuổi cao sức yếu, con trai ông đã đảm nhận công việc của bố, nhưng ông vẫn thường xuyên ra thăm nom nghĩa trang. Những tình cảm với quê hương, đất nước, đồng đội còn được ông gửi gắm vào các vần thơ. Ông thường sinh hoạt trong câu lạc bộ Thơ huyện Phú Xuyên, sáng tác và đọc thơ tại các buổi giao lưu, kỷ niệm, chia sẻ thơ để lan tỏa tinh thần của người lính Cụ Hồ tới mọi người, nhất là các cháu thiếu nhi.