Cô giáo có nhiều sáng tạo

Môn Ngữ văn là một trong những môn học khó, nhưng với cô giáo Lưu Thị Thu Hà (Trường THPT Việt Ðức, quận Hoàn Kiếm), giờ học Văn trở thành một giờ sinh hoạt sôi nổi, giống như một cuộc tọa đàm, một buổi trò chuyện hấp dẫn. Qua đó, các em học sinh vừa hứng thú, vừa tăng tư duy sáng tạo.

Cô giáo Lưu Thị Thu Hà giới thiệu những sáng tạo trong giảng dạy.
Cô giáo Lưu Thị Thu Hà giới thiệu những sáng tạo trong giảng dạy.

Tham gia một giờ học của cô giáo Lưu Thị Thu Hà, các học sinh phải chuẩn bị trước khá vất vả nhưng các em luôn mong chờ đến tiết học của cô. Sinh năm 1985, cô Hà còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề, song cô đã biến điều đó thành lợi thế. Khoảng cách thế hệ không quá xa khiến cô hiểu tâm tư của các em và biết phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ. Cô Hà chia sẻ: “Nếu dạy văn theo phong cách cũ sẽ khiến nhiều học sinh không hào hứng. Bởi vậy, tôi luôn suy nghĩ phải áp dụng các phương pháp dạy học mới để các em giảm áp lực, tăng tương tác, kích thích sự sáng tạo của các em để đem lại hiệu quả cao hơn”.

Một trong những sáng tạo nổi bật của cô giáo là biến các tiết học thành những… talkshow, tương tự như các chương trình truyền hình thực tế được ưa thích. Các em học sinh sẽ được đóng vai người dẫn chương trình, đóng vai các chuyên gia hoặc các nhân vật trong bài giảng… để thảo luận về các bài học trong sách giáo khoa. Các chương trình đó khiến học sinh cảm thấy thú vị khi nhập vai. Các em cũng được thể hiện chủ kiến của mình về các vấn đề, các nhân vật văn học thay vì lối truyền thụ một chiều như cách dạy văn cổ điển. Nhờ hoạt động này, các nội dung cần truyền tải “ngấm” sâu hơn. Tiết học cũng khiến học sinh tăng cường khả năng phát biểu trước đông người, phát triển các kỹ năng sống, giúp các em tự tin hơn trong các hoạt động. Cô giáo Lưu Thị Thu Hà cho biết thêm: “Tôi đã tham khảo nhiều chương trình truyền hình như “Văn hóa, sự kiện và nhân vật”, “Hỏi xoáy, đáp xoay”… để xây dựng kịch bản các bài học cho phù hợp với thực tế và khả năng của các em. Khi xây dựng kịch bản, tôi hướng dẫn các em cách đặt và trả lời câu hỏi chứ không làm thay để các em “diễn”. Tôi nhận thấy khi được chủ động tham gia, tư duy của các em trưởng thành rất nhanh”.

Về mặt kiến thức, cô Hà cũng không giới hạn kiến thức ghi trong sách giáo khoa. Cô hướng dẫn các em khai thác tư liệu từ các cuốn sách khác liên quan. Các em tự mở rộng kiến thức ngay từ quá trình tìm tư liệu. Ðây cũng là cách để các em làm quen với việc nghiên cứu khoa học trong tương lai. Thành quả của những tiết dạy văn trên lớp còn thể hiện ở việc các em học sinh tự làm được những cuốn tạp chí rất độc đáo, tuy chỉ lưu hành nội bộ, nhưng điều này giúp các em thể hiện năng khiếu văn học, nghệ thuật.

Cô giáo Lưu Thị Thu Hà còn xây dựng nhiều dự án khác nhau dành cho học sinh. Ðiển hình như dự án “Chuyện kể lớp mình”. Cô hướng dẫn các em lựa chọn những người, những việc khiến các em băn khoăn, xúc động rồi chia sẻ, đối thoại với cả lớp. Khi dự án kết thúc, các em vừa có một tài liệu học tập bổ ích, vừa hình thành tư duy phản biện về các vấn đề. Nhiều câu chuyện các em kể như chuyện về những bạn nhỏ vùng cao vượt khó, chuyện những người hàng xóm nghèo… còn lan tỏa được tinh thần nhân ái trong các em. Những dự án như thế đánh thức những tình cảm tốt đẹp trong các em, góp phần hình thành nhân cách sau này. Những nỗ lực của cô giáo Lưu Thị Thu Hà đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà giáo Thủ đô Tâm huyết, sáng tạo 2019.