Tăng giá phải đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ

Việc điều chỉnh, bổ sung giá 1.348 dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập là một trong những nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Nội lần thứ 14. Nhiều người lo lắng việc liên tục tăng giá dịch vụ y tế sẽ tăng thêm gánh nặng cho người dân; mặt khác, cách đây một năm, thành phố cũng đã điều chỉnh giá hơn 800 dịch vụ y tế các loại. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thùy.

Tăng giá phải đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ

Phóng viên (PV): Trước thông tin thành phố sẽ điều chỉnh, bổ sung giá hơn 1.300 dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, nhiều người dân lo ngại trong một năm giá dịch vụ y tế đã tăng tới hai lần. Với tư cách là Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, đơn vị thẩm tra nội dung này, đồng chí có chia sẻ gì về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Thị Thùy: Trước hết, tôi xin khẳng định không có chuyện một dịch vụ y tế mà được điều chỉnh tăng giá hai lần trong một năm. Hiện đang có sự hiểu chưa đúng về vấn đề trên. Tại kỳ họp này, HĐND thành phố chỉ xem xét việc điều chỉnh, bổ sung hai nhóm dịch vụ: nhóm thứ nhất bao gồm 1.348 dịch vụ chưa được điều chỉnh tăng theo Nghị quyết 13/2013/NQHĐND, nhóm thứ hai gồm 135 dịch vụ kỹ thuật mới phát sinh.

PV: Như vậy là không có chuyện trong một năm giá dịch vụ y tế được điều chỉnh hai lần, có đúng vậy không thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thùy: Đúng vậy. Trong lần điều chỉnh đầu tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố chỉ mới điều chỉnh giá 819 dịch vụ y tế trong tổng số hơn 2.000 dịch vụ y tế các loại. Như vậy còn khoảng 1.365 dịch vụ khác chưa có sự điều chỉnh từ thời điểm đó. Và trong kỳ họp này, HĐND thành phố xem xét, điều chỉnh tiếp với 1.348 trong số 1.365 dịch vụ y tế kể trên, chứ không phải tiếp tục tăng giá các dịch vụ y tế đã được tăng vào năm trước.

PV: Việc điều chỉnh được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thùy: Như kết quả HĐND thành phố vừa quyết nghị, mức giá dịch vụ y tế được đề xuất điều chỉnh tăng tối đa 20%. Bệnh viện hạng một sẽ tăng từ mức 80% hiện nay lên 100% mức giá trần; bệnh viện hạng hai từ 75% lên 95%; bệnh viện hạng ba, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%. Thành phố cũng bổ sung thêm 135 dịch vụ kỹ thuật y tế chưa có giá, thực hiện theo Thông tư 04/2012 liên ngành Y tế - Tài chính.

PV: Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều cử tri đặt câu hỏi có nhất thiết phải tăng giá các dịch vụ y tế hay không. Xin đồng chí cho ý kiến về việc này?

Đồng chí Nguyễn Thị Thùy: Qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội và kết quả thực hiện từ lần điều chỉnh trước, cho thấy lần điều chỉnh tới đây sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân, nhất là đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tại Hà Nội hiện có gần 70% người dân có thẻ BHYT.

Chẳng hạn trước đây người bệnh phải trả mức phí 11 nghìn đồng, khi điều chỉnh tăng 20% sẽ chỉ phải trả khoảng 13.200 đồng, chi phí này sẽ được BHYT chi trả theo quy định đối với người có thẻ BHYT, cho nên không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Mặt khác, việc tăng một phần giá dịch vụ y tế sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung vật tư, trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, qua đó góp phần khuyến khích, thu hút người dân tham gia BHYT.

Trên thực tế, Nghị quyết 13/2013-HĐND đã đi vào cuộc sống. Sau một tháng thực hiện, Ban Văn hóa - Xã hội đã đi khảo sát thì không thấy có đơn thư kiến nghị của người bệnh về giá dịch vụ y tế mới. Mặt khác, số lượng người đến khám, chữa bệnh theo BHYT cũng tăng lên. Chỉ tính riêng năm tháng đầu năm nay, đã có hơn 24 nghìn lượt người tham gia BHYT. Việc tăng giá dịch vụ y tế cũng là sức ép để các bệnh viện công lập nâng cao chất lượng. Thực tế cho thấy khi tăng giá dịch vụ, chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập đã khá lên rất nhiều. Cùng với việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế trên cơ sở tính đúng, tính đủ, Ban Văn hóa -Xã hội cũng kiến nghị UBND thành phố tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ý thức, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ trong các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành y tế Thủ đô, bảo đảm quyền lợi của người bệnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!