Vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng

Trong thời gian qua, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội có chuyển biến tích cực.

 Số vụ cháy tại các nhà cao tầng năm 2020 giảm 60% so với năm 2019 và giảm 87% so với năm 2018, không có vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Số cơ sở bảo đảm điều kiện PCCC tăng hơn 86% so với năm 2019, trong khi số chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC giảm 60% so với năm 2019.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều vi phạm về PCCC như đưa tòa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC; không bảo đảm giao thông phục vụ chữa cháy; thiếu lối ra thoát nạn; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị... Ðiển hình cho các vi phạm này có thể kể đến chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Ðông (Mỹ Sơn Tower), số 62 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); chung cư CT1 Usilk City tại phường La Khê, tòa nhà SME Hoàng Gia tại phường Quang Trung và tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân tại phường Mộ Lao (quận Hà Ðông)… Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về PCCC của không ít cư dân còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ðể khắc phục các vi phạm PCCC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ nhà cao tầng, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ; đồng thời xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành đối với chung cư cao tầng. Thanh tra thành phố phối hợp Công an thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra đối với chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà cao tầng có dấu hiệu sai phạm về PCCC... Công an thành phố xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, vi phạm quy định về PCCC đối với các dự án, công trình xây dựng, nhất là các nhà cao tầng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC. Phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo về PCCC và cứu nạn cứu hộ tại các nhà cao tầng; đồng thời làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sai phạm. Nếu các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các hạn chế, vi phạm về PCCC theo quy định, có thể xem xét truy tố trách nhiệm hình sự.

UBND thành phố tiếp tục yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với những công trình, hạng mục công trình nhà cao tầng vi phạm nghiêm trọng hoặc không khắc phục bất cập, hạn chế về PCCC và cứu nạn cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch xem xét, ngừng cung cấp dịch vụ đối với các công trình vi phạm quy định PCCC.

Minh Vân