Thực hiện chương trình tín dụng chính sách kịp thời, hiệu quả

Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt gần 12.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,021%/tổng dư nợ. Trong đó, thành phố đã giải ngân hơn 324 tỷ đồng cho 262 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 76.925 lượt người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn. Với 206,3 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách được phân bổ theo chương trình này, đến nay, thành phố đã giải ngân được 51,71 tỷ đồng cho 924 khách hàng được vay vốn. Trong năm 2022, thành phố quyết định bổ sung ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố 900 tỷ đồng để cho vay vốn với người lao động và các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn.

Sau khi kiểm soát dịch Covid-19, thành phố Hà Nội cùng cả nước đang đẩy mạnh các giải pháp để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Một giải pháp quan trọng là thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn. Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng mức độ đầu tư vốn cho tín dụng chính sách xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Một số địa phương chưa xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, chưa chú trọng chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. "Tín dụng đen" vẫn còn khá phổ biến tại các vùng nông thôn. Bên cạnh cho vay vốn, vẫn còn thiếu sự phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề gắn với hoạt động tín dụng chính sách xã hội cho người dân.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục tập trung chỉ đạo về việc rà soát đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội để cho vay đúng người, đúng việc; có các giải pháp bổ sung nguồn vốn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Bên cạnh các đối tượng chính sách, các địa phương, sở, ngành, cơ quan liên quan cũng cần rà soát, đánh giá nhu cầu vay vốn để phục hồi phát triển kinh tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, thành phố ban hành quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Các đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết các chính sách tín dụng ưu đãi, các đối tượng thụ hưởng theo quy định; Ngành ngân hàng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát cũng như nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.