Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng, công nhận được 1.054 sản phẩm, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng năm sao, 731 sản phẩm bốn sao, 306 sản phẩm ba sao...

Chương trình OCOP của Hà Nội thu hút sự tham gia, đồng hành của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã, 101 hộ sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động khu vực nông thôn; mở hướng phát triển mới cho sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã đăng ký gần 2.350 sản phẩm OCOP. Trong đó, riêng năm 2021 có 547 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân loại. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến cuối năm có thêm khoảng 400 sản phẩm OCOP được xếp loại từ ba sao trở lên và có 10 sản phẩm tiềm năng năm sao tham gia đánh giá, được phân hạng sản phẩm cấp quốc gia... Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng việc triển khai Chương trình OCOP tại Hà Nội vẫn còn không ít vướng mắc. Phần lớn sản phẩm được sản xuất theo phương thức thủ công, chất lượng, quy cách mẫu mã còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Các kênh tiêu thụ sản phẩm và việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19 còn hạn chế. Nhiều sản phẩm OCOP khó tiêu thụ.

Để chương trình OCOP triển khai hiệu quả, thiết thực, thành phố cần tập trung đánh giá, phân hạng các sản phẩm trên cơ sở đăng ký của các quận, huyện, thị xã, bảo đảm đúng tiêu chí, quy trình của bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tiếp tục mở rộng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, trong đó năm nay phấn đấu có thêm 30 đến 40 điểm và hỗ trợ các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ. Các địa phương định hướng, khuyến khích các chủ thể sản phẩm OCOP chủ động đầu tư, ứng dụng thiết bị, khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, số lượng sản phẩm; đồng thời hỗ trợ các chủ thể thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì; tem sản phẩm... tạo điều kiện để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP đã được thành phố phân hạng.

Ngành nông nghiệp cần chủ động triển khai những công việc cần thiết để ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát là có thể sớm tổ chức giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền; các sự kiện tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn giới thiệu và bán hàng; tổ chức diễn đàn giao thương sản phẩm OCOP và hướng dẫn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong thời gian giãn cách xã hội, tiếp tục tổ chức bán hàng thông qua hình thức thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, gắn với tập huấn kỹ năng bán hàng cho các chủ thể sản phẩm OCOP.