Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt "Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố".

Theo quyết định này thì tại 14 huyện, thị xã sẽ có 29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai, thành phố mới có 10 cơ sở được đầu tư, đang hoạt động sản xuất (đạt tỷ lệ 34,5%). Không những vậy, một số cơ sở đã hình thành nhưng hoạt động chưa hiệu quả, mới đạt 15 đến 30% công suất.

Kết quả này cho thấy, việc triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật có kiểm soát trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân chủ yếu do việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đòi hỏi kinh phí lớn, thực hiện nhiều thủ tục như thu hồi, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng dự án... Ngoài ra, hiện hơn 70% số sản phẩm sau giết mổ được cung ứng tới người dân thông qua các chợ, điểm kinh doanh thực phẩm nhưng chưa có quy định cụ thể về quản lý nguồn thực phẩm bán tại các điểm này. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn hoạt động khá phổ biến. Điều này khiến sản phẩm giết mổ tại các điểm giết mổ tập trung khó cạnh tranh, nhất là về giá. Những nguyên nhân này khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà khi đầu tư vào dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Trong khi đó, việc xây dựng mạng lưới các điểm giết mổ tập trung rất quan trọng và cấp thiết để quản lý nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại. Do đó, cần có những giải pháp để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ hình thành mạng lưới. Thành phố cần tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình lập dự án, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Chính quyền địa phương cần quyết liệt kiểm tra, rà soát, chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; đưa các cơ sở giết mổ không đáp ứng tiêu chuẩn vào hoạt động tại các cơ sở đã được cấp phép hoạt động. Đồng thời, tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý các sản phẩm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ và đầu tư nâng cấp các chợ truyền thống, nhất là đối với khu vực kinh doanh thực phẩm.

Thời gian tới, thành phố cần làm chặt, chỉ cho phép kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ của các cơ sở được cấp phép hoạt động. Phía các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm cần chủ động hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết, tập trung các nguồn lực đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.