Sớm xử lý úng ngập trên đại lộ Thăng Long

Trong đợt mưa lớn vừa qua, một số điểm trên các đường phố ở Hà Nội lại bị ngập sâu. Những vũng nước lớn ở trên đường gây ùn tắc giao thông cục bộ, nhiều phương tiện không thể di chuyển.

Trước đó, đợt tháng 5, tháng 9 vừa qua, khi mưa to tại những khu vực này, mực nước ngập úng dâng cao, dẫn đến mặt đường xuống cấp, sụt lún, các tấm đan che miệng cống bị cập kênh, thường trực nguy cơ mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi qua dòng nước úng ngập. Có những thời điểm, lực lượng cảnh sát giao thông phải tổ chức phân luồng phương tiện và cứu hộ người tham gia giao thông.

Trọng điểm úng ngập còn tồn tại trên đại lộ Thăng Long là điểm giao với đường Lê Trọng Tấn (lối vào Thiên Đường Bảo Sơn đi quận Hà Đông); các hầm chui dân sinh số 3, số 5, số 6...; đoạn đường ở Km9+656; nút giao An Khánh (huyện Hoài Đức). Nguyên nhân do vị trí các hầm chui có cốt mặt đường thấp hơn 25-30 cm so với mặt đường của làn đường gom, khi mưa lớn, mực nước sông Nhuệ dâng cao, gây úng ngập đường ở khu vực hầm chui. Bên cạnh đó, tình trạng phế thải đổ bừa bãi hai bên đường gom đã bịt kín đường thoát nước. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến mực nước trên sông Nhuệ dâng cao hơn so với quy định (tại trạm bơm Đồng Bông 1 là 5,41 m, cống Hà Đông 4,85 m, trạm bơm Yên Nghĩa 4,38 m) khiến khu vực này xuất hiện điểm úng ngập không chỉ tại các hầm chui dân sinh trên đại lộ Thăng Long, mà tại một số khu vực khác như phố Phan Văn Trường, Triều Khúc cũng lâm vào tình trạng tương tự, với mức độ úng ngập từ 10 đến 20 cm. Để giải quyết tình trạng này, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã duy trì lực lượng, phương tiện để duy tu, nạo vét thường xuyên các tuyến cống, tuyến mương Trung Thượng, Đồng Tép, kênh T242; triển khai bơm di động tại các hầm chui dân sinh để giảm thiểu thời gian úng ngập. Cùng với đó, đơn vị bố trí lực lượng ứng trực, có mặt kịp thời khi xảy ra úng ngập để khơi thông dòng chảy, hướng dẫn giao thông.

Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp mang tính cấp bách. Bởi hiện nay, việc tiêu thoát tại lưu vực sông Nhuệ hoàn toàn theo chế độ tự chảy, mực nước các sông dâng cao, thậm chí có thời điểm xuất hiện tình trạng chảy ngược (nước từ sông chảy vào hệ thống thoát nước) khiến nước mưa không kịp tiêu thoát, làm xuất hiện các điểm ngập úng.

Để giảm thiểu thời gian úng ngập tại khu vực này, hiện không còn cách nào khác là vận hành tối đa các máy bơm tại trạm bơm để nhanh chóng đưa nước từ sông Nhuệ ra sông Đáy. Song, hiện nay, trạm bơm Yên Nghĩa, trạm Đông Trù mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ lượng nước phát sinh trong những ngày mưa bão. Do đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo hạ tầng tiêu thoát nước hai bên đại lộ Thăng Long, trạm bơm tiêu Đào Nguyên công suất 25 m3/giây theo quy hoạch. Có như vậy, khu vực này mới thoát được tình trạng cứ mưa là ngập nặng.