Sớm gỡ vướng cho các dự án hạ tầng giao thông

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2022, dù đã nỗ lực, nhưng các dự án giao thông đơn vị được giao làm chủ đầu tư mới giải ngân được 416,7 tỷ đồng, đạt 22,6% kế hoạch năm. Dù con số này cơ bản tương đương với kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố, tiến độ triển khai tại một số dự án vẫn còn chậm, kết quả giải ngân chưa được như mong muốn.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, công tác đấu thầu, giải ngân dự án… vẫn còn những "lý do cũ", từ quy trình thủ tục đối với các dự án nói chung còn khá phức tạp, đến vướng mắc giải phóng mặt bằng. Cụ thể, theo quy định, các dự án khởi công mới phải thực hiện công tác thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu mới có thể thực hiện giải ngân. Có dự án phải thực hiện các thủ tục thỏa thuận cấp phép liên quan nhiều bộ, ngành, quy định trong lĩnh vực khác nhau, mất nhiều thời gian, như dự án cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên (giai đoạn 2) đã bị dừng lại khá lâu do phải chờ thỏa thuận cấp phép thi công của cơ quan chuyên môn vì liên quan đến đê cấp đặc biệt.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đang phải chờ đợi mặt bằng để thi công đối với tám dự án; sáu dự án khác đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn tồn tại một số vị trí cục bộ về mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm để hoàn thành; chưa kể có dự án còn thiếu quỹ nhà tái định cư khiến công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung, nhất là với các dự án hạ tầng giao thông, các chuyên gia cho rằng, cùng với các giải pháp căn cơ, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, địa phương, các cơ quan chức năng cũng phải sớm rà soát lại các thủ tục, rút ngắn thời gian, tinh gọn hơn nữa. Ðối với những dự án liên quan nhiều lĩnh vực, cần có chỉ đạo chung rõ ràng, phối hợp trong khâu cấp phép từ các bộ, ngành. Việc cấp phép cho các dự án, đơn vị nào thực hiện thì đơn vị đó nên phối hợp, lấy ý kiến bộ liên quan, nếu không thống nhất, báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo chung, không để như hiện nay, khi chủ đầu tư và nhà thầu phải đi làm thủ tục ở các bộ sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp.

Riêng công tác giải phóng mặt bằng, cần nhanh chóng tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng, thực hiện độc lập, khi chủ đầu tư và nhà thầu dự án hạ tầng vào thi công là được nhận mặt bằng đã sạch mới bảo đảm tiến độ, tránh kéo dài năm này sang năm khác. Muốn vậy, thành phố cần quy trách nhiệm cụ thể người đứng đầu từng địa phương, đơn vị, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành, không để kéo dài.