Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 17/11/2021 về thực hiện quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, nhằm thiết lập hồ sơ sức khỏe của người dân, để mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe, được tư vấn, điều trị hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi có bệnh.

Bên cạnh việc thu thập dữ liệu sức khỏe theo dữ liệu khám sức khỏe định kỳ của các đối tượng như trẻ em dưới năm tuổi, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, trường học, người cao tuổi, hưu trí..., thành phố tiếp tục cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân khi đi khám sức khỏe, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đồng thời, rà soát, đôn đốc tất cả người dân, gồm cả người lao động tự do và những người ngoài các đối tượng đã nêu ở trên, được khám, quản lý sức khỏe ít nhất một lần/năm...

Có thể thấy, đây là nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội quan trọng, nếu làm tốt sẽ chăm lo cho đời sống mọi người dân. Đồng thời, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội khi người dân được phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về sức khỏe. Thông qua việc khám sức khỏe định kỳ, rất nhiều người đã được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, kịp thời, giúp cho việc điều trị nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều người dân chưa quan tâm, chú trọng đến việc khám sức khỏe định kỳ, còn tâm lý chủ quan với sức khỏe bản thân hoặc không có điều kiện kinh tế để khám sức khỏe. Đến khi phát hiện ra bệnh thì đã ở trong tình trạng nặng, khó chữa trị và tốn kém hơn. Vẫn còn tình trạng khám qua loa, đại khái, chưa bảo đảm hiệu quả của công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Do đó, chính quyền các địa phương, cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị cần bảo đảm công tác khám, quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cho người dân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân. Hệ thống y tế trên toàn thành phố cần phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của mình, đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế, tăng cường y tế dự phòng, tận dụng nguồn lực của hệ thống y tế ngoài công lập. Đồng thời, cần rà soát các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học... trong việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Thành phố cũng nên có thêm các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ những người dân còn khó khăn, không làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học… được tiếp cận việc khám, quản lý sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc quản lý sức khỏe, phòng, điều trị bệnh ngay từ ban đầu và tham gia bảo hiểm y tế ■