Quản lý, sử dụng hiệu quả vỉa hè khu vực trung tâm

Với việc ban hành Văn bản số 14233/VP-ĐT, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho phép quận Hoàn Kiếm được sử dụng tạm thời hè một số tuyến phố để kinh doanh.

Các tuyến phố được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm sử dụng hè để tổ chức kinh doanh gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu. Đây là những tuyến phố có vỉa hè rộng từ 5 m đến 7 m. Thời gian hoạt động từ 6 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, riêng phố Phùng Hưng hoạt động từ 6 giờ đến 22 giờ. Việc sử dụng hè phố để kinh doanh được giới hạn tại khu vực sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng một, với khoảng cách từ 1,5 m đến 2 m tính từ tường nhà. Thời gian cấp phép 6 tháng/lần, sử dụng tạm thời với mức phí 45.000 đồng/m2/tháng. Thành phố cũng chấp thuận một số doanh nghiệp sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà-phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Việc kinh doanh chỉ được tiến hành ở một số vị trí, nhằm bảo đảm lối đi cho người đi bộ và cảnh quan tuyến phố.

Trong những năm qua, vỉa hè khu vực trung tâm, nhất là địa bàn quận Hoàn Kiếm thường xuyên bị người dân chiếm dụng để kinh doanh, hoặc để phương tiện. Chính quyền địa phương đã nhiều lần thực hiện công tác giải tỏa, nhưng sau mỗi đợt ra quân, tình hình "đâu lại vào đấy". Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân hạ tầng của quận Hoàn Kiếm bị quá tải, trong khi đó, Hoàn Kiếm là quận có hoạt động thương mại, du lịch phát triển nhất thành phố. Nhu cầu của khách du lịch, người dân sử dụng các loại hình dịch vụ rất lớn. Điều này dẫn đến nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè bừa bãi. Việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh, có thể giúp giải quyết nhu cầu của các vị khách khi đến địa bàn, giúp hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn, giúp Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng, có thể thu hút nhiều du khách hơn. Mặt khác, nếu được sử dụng dưới sự quản lý chặt chẽ bởi chính quyền và các doanh nghiệp, thì hiện trạng vỉa hè của một số tuyến phố có thể được cải thiện theo hướng quy củ hơn, góp phần loại bỏ những nhếch nhác về cảnh quan, môi trường.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ. Việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh, thực chất là giải pháp có tính tình thế để giải quyết nhu cầu của cuộc sống. Không nên quá đề cao biện pháp này như một "lối thoát" trong quản lý, sử dụng vỉa hè. Trước hết, khi đưa vào khai thác, sử dụng, quận Hoàn Kiếm cùng các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc quản lý, tránh tình trạng các doanh nghiệp lấy lý do đã trả tiền thuê, mà tự do dựng bạt, căng lều, hay đổ rác thải, bày bàn ghế bừa bãi, cản trở việc đi lại của người dân. Về lâu dài, thành phố nói chung, quận Hoàn Kiếm cần thực hiện các giải pháp như phát triển thêm không gian ngầm, điều chỉnh mật độ dân số, phát triển thêm sản phẩm du lịch mới để "giảm tải" cho khu vực trung tâm, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm văn minh đô thị.