Phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp

Thực hiện chương trình phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, đến nay TP Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi cung ứng, chiếm 8,8% tổng số các chuỗi cung ứng của cả nước, với 70 điểm bán sản phẩm. 

Ngoài ra, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cung cấp sản phẩm cho thị trường Thủ đô cũng xây dựng được gần 790 chuỗi cung ứng, chiếm 48% tổng số các chuỗi cung ứng cả nước, với 670 điểm bán sản phẩm, góp phần cung cấp nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng cho người dân. 

Để các sản phẩm đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng, tất cả các khâu, từ sản xuất, sơ chế, vận chuyển được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ tham gia các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt an toàn, chất lượng, người sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức sản xuất an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng. Đồng thời, các sản phẩm an toàn được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và tuyên truyền rộng rãi cũng giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm, sẵn sàng mua hàng với mức giá cao hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân. Các sản phẩm nằm trong chuỗi liên kết cung ứng dễ dàng mở rộng thị trường, tiêu thụ ổn định hơn, trong đó nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích trên địa bàn cả nước. Đáng chú ý, việc phát triển các chuỗi liên kết cung ứng, nhất là liên kết các hộ chăn nuôi để hình thành các tổ chức hiệp hội, hợp tác xã chăn nuôi... còn tạo ra các dịch vụ mua chung thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống với số lượng lớn, dẫn đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm cho TP Hà Nội còn một số hạn chế như: Việc sơ chế, đóng gói sản phẩm chưa hấp dẫn; công tác thông tin, quảng bá sản phẩm chưa rộng rãi và thiếu chợ đầu mối để quản lý, tiêu thụ nông sản. Vì thế, trong thời gian tới TP Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ phát triển, xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố, các sản phẩm đã được phân hạng, đánh giá theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các địa phương. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất bảo đảm an toàn, chất lượng; năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường đối với các chủ thể tham gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. 

Thành phố tiếp tục quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nghiên cứu đầu tư xây dựng chợ đầu mối để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát trách nhiệm của người cung cấp nông sản, thực phẩm đưa vào chợ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ, chế biến thịt hiện đại, quy mô lớn, góp phần cung ứng các sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường Thủ đô.