Niềm tin cần đặt đúng chỗ

Cứ đến dịp thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và một số đền, chùa trên địa bàn Hà Nội lại có nhiều bậc cha mẹ, học sinh đi lễ cầu may.

Năm nay, do dịch Covid-19, nhiều di tích phải đóng cửa, nhưng vẫn có hàng trăm người đến khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám "lễ vọng" từ phía ngoài hàng rào. Vỉa hè phía trước bị biến thành điểm hành lễ. Nhiều người sì sụp khấn vái, đặt lễ ở tấm bia "hạ mã" phía trước di tích. Việc làm này vừa tạo nên hình ảnh phản cảm, đồng thời vi phạm quy định về phòng dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp. Trước diễn biến ấy, Trung tâm Hoạt động Văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải thông báo trên fanpage chính thức, lên tiếng về ý nghĩa của tấm bia "hạ mã" trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp chính quyền địa phương di dời bát hương do người dân tự ý đặt và lập rào chắn tạm thời quanh khu vực này.

Theo thông tin của Trung tâm Hoạt động Văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám công bố, bia "hạ mã" được Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Bia được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa, đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc tiên thánh, tiên hiền. Như vậy, tấm bia không chỉ đơn thuần là "biển báo giao thông" như một số người lầm tưởng, mà còn để nhắc nhở mọi người tôn trọng đạo học. Trước sự việc nhiều người lễ bái ở tấm bia, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lê Xuân Kiêu cho biết: "Ðây là một sự hiểu lầm đáng tiếc. Người dân không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của một số hạng mục trong di tích. Khi người dân có sự hiểu lầm ấy, việc một số người mạt sát hành động này là không nên. Chúng ta cần hướng dẫn mọi người hiểu đúng để hành động đúng".

Việc người dân lễ bái ở các di tích, nhất là di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu mong đỗ đạt là một thói quen mới hình thành trong những năm gần đây. Những năm trước, nhiều sĩ tử còn đua nhau sờ đầu những con rùa đá đội bia, gây ảnh hưởng đến di tích. Phong trào "sờ đầu rùa" chỉ chấm dứt khi Trung tâm Hoạt động Văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám kết hợp giữa tuyên truyền, giải thích với lập hàng rào quanh khu vực nhà bia. Trước đó, tại góc phố Nguyễn Thái Học - Tôn Ðức Thắng, chỉ vì lời đồn đại không căn cứ cho rằng khu vực này rất "thiêng" dẫn đến ngày rằm, mồng một (âm lịch), người dân đổ về lễ bái, gây ùn tắc giao thông. Người dân đốt vàng mã đến xém cả bức tường. Vài năm trở lại đây, nhờ tuyên truyền, nhắc nhở, ngăn chặn hành vi đặt bát hương bừa bãi, việc cúng bái tại đây mới chấm dứt.

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi khi có việc quan trọng, chẳng hạn như việc thi cử, con người cần một điểm tựa tâm linh. Do đó, việc đi lễ cầu may không phải là xấu. Tuy nhiên, việc lễ lạt không đúng nơi, đúng chỗ là hành vi cần khắc phục. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của truyền thống hiếu học, trọng hiền tài của nước ta. Ðến di tích này, bên cạnh việc tưởng nhớ đến các bậc tiên hiền, thì việc tìm hiểu những tấm gương trạng nguyên, tiến sĩ nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập, thi đỗ rồi ra làm quan giúp đời sẽ giúp các thí sinh hôm nay có thêm động lực để vượt qua những kỳ thi lớn.

DÃ LIÊN