Nhân rộng “Tổ hòa giải 5 tốt”

Kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải, nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” để giảm mâu thuẫn ngay từ khu dân cư, góp phần bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng là nội dung được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng thời gian qua. Để việc triển khai đạt hiệu quả, thành phố đã gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải.

Cụ thể gồm 5 tiêu chí: Phát hiện vụ việc kịp thời tốt; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở tốt; tổ chức hòa giải thành công từ 80% trở lên số vụ việc mâu thuẫn phát sinh; thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá rút kinh nghiệm về công tác hòa giải ở cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ hòa giải thành công trên địa bàn thành phố hằng năm đều đạt hơn 80% và năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2021, công tác hòa giải ở cơ sở của thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn thành phố hiện có 4.937 tổ hòa giải, với 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 57%). Tính đến hết tháng 10, thành phố đã tiếp nhận tổng số 3.028 vụ việc hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang), giảm 1.524 vụ việc so với cùng kỳ năm trước. Đã tiến hành hòa giải được 2.483/2.911 vụ việc, 160 vụ việc đang tiến hành hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành công đạt 85,29%), tăng 2,59% so với cùng kỳ. Một số đơn vị đạt tỷ lệ hòa giải thành công cao như: Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Thường Tín, Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Trì.

Đáng chú ý, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã ngày càng phát huy hiệu quả, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với phương châm dân vận khéo và các mô hình tự quản cộng đồng tại địa phương. Trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, các tổ hòa giải tại cộng đồng đã tích cực tham gia cùng tổ dân phố, chính quyền cơ sở trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố, những hiệu quả tích cực của các “Tổ hòa giải 5 tốt” đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ngay từ cơ sở, thành phố nên đưa tiêu chí đánh giá công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một tiêu chí trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng thời kiện toàn tổ hòa giải theo thôn, tổ dân phố, bảo đảm mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ hòa giải. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần nâng mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, nâng mức chi thù lao cho hòa giải viên để phù hợp với thực tế hiện nay.