Mô hình hay, nhưng chưa hiệu quả

Hà Nội đã chấp thuận chủ trương xã hội hóa, cho một đơn vị thực hiện lắp đặt, cung cấp hệ thống thùng rác công nghệ gồm 11.886 thùng tại địa bàn 12 quận và 13 huyện có kết hợp quảng cáo. Dự án được thí điểm từ năm 2019 và đầu năm 2020 được triển khai chính thức tại một số địa bàn ở nội đô.

Thùng rác công nghệ đặt tại đường Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân). Ảnh: CẨM NAM
Thùng rác công nghệ đặt tại đường Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân). Ảnh: CẨM NAM

Ngoài tác dụng chứa rác thông thường, thùng rác công nghệ được thiết kế thông minh với hai ngăn riêng biệt là rác tái chế và rác không tái chế, có sức chứa lên đến 240 lít. Đáng chú ý, tấm pin mặt trời được đặt trên mái của bảng điện để thu và chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng, tạo công suất phát điện vào ban đêm lên đến 25W. Khi trời tối, thùng rác tự động phát sáng mà không cần dùng đến nguồn điện truyền thống. 

Sau một thời gian, mô hình thùng rác công nghệ tại Hà Nội đã và đang tiếp tục được triển khai, bước đầu không chỉ giúp nâng tầm mỹ quan đô thị mà còn thay đổi nhận thức của người dân về phân loại rác và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả mô hình này vẫn là điều đáng bàn. Trên các tuyến phố như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chánh… thùng rác công nghệ dù đã được thiết kế tách biệt hai ngăn, nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn. Tại một số thùng rác, người dân bỏ giấy cứng, vỏ lon, bao bì vào ngăn rác thải không tái chế, trong khi rác thải sinh hoạt lại bỏ vào ngăn tái chế, làm giảm hiệu quả của thùng rác công nghệ. Việc kết hợp với biển quảng cáo hoàn toàn không thuận tiện cho người bỏ rác, khoảng cách giữa thùng rác với mép biển quảng cáo quá ngắn, dẫn đến bất tiện. Tại một số điểm, người dân đã mang rác ra đổ, đặt rác ngay bên cạnh thùng rác, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. 

Thậm chí, một số túi rác đã phân loại rồi, nhưng người thu gom rác cũng xé các túi bỏ lên xe và trộn lẫn với nhau. Các đơn vị vệ sinh môi trường cho rằng, phần lớn rác thải hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nên việc công nhân thu gom để lẫn các loại rác vào với nhau là điều không thể tránh khỏi. Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương cho rằng, bên cạnh những lợi ích thì xét ở góc độ khác, mô hình này chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Khi áp dụng vào thực tiễn, phải có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, từ đó mới đánh giá xem hiệu quả đến đâu để khắc phục và đưa ra giải pháp xử lý.