Hành lang pháp lý quan trọng phát triển Vùng Thủ đô

Nghị định số 91/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô vừa được ban hành, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy, giải quyết nhiều vướng mắc trong liên kết vùng giữa các địa phương thời gian qua.

Theo Nghị định, 10 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên sẽ ưu tiên phối hợp các lĩnh vực trọng tâm, như: quy hoạch xây dựng; phát triển y tế, giáo dục; quản lý đất đai; quản lý dân cư và phát triển, phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải. Chính phủ giao nhiệm vụ cho TP Hà Nội chủ động phối hợp các bộ, ngành trung ương để hỗ trợ các tỉnh trong Vùng Thủ đô thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển và phát huy hơn nữa vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng, vai trò dẫn dắt phát triển của Vùng Thủ đô.

Việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong Vùng Thủ đô đã được thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên trên thực tế hiệu quả vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân là cơ chế kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô chưa được xác lập cụ thể, để tạo sự chủ động cho các tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp, liên kết mặc dù nội dung này đã được quy định tại Điều 23, Luật Thủ đô. Bên cạnh đó, từng địa phương mới chỉ chú trọng các lĩnh vực của mình, mà chưa chú trọng tới trách nhiệm phát triển của toàn vùng.

Nghị định số 91/2021/NĐ-CP, bên cạnh những quy định về Hội đồng điều phối, người chủ trì, cơ quan phối hợp; quy định cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô, đã chú trọng tới chính sách ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư đối với các công trình, dự án trọng điểm của vùng. Theo đó, ưu tiên tổng hợp các công trình, dự án trọng điểm của vùng vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án đối với các công trình, dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường được đầu tư toàn bộ từ nguồn vốn xã hội hóa.

Có thể nói rằng, Nghị định số 91/2021/NĐ-CP đã đề ra những cơ chế rất cụ thể làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai phối hợp giữa các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô trong thực tiễn. Chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2021, điều người dân và các nhà đầu tư mong mỏi hiện nay là các nội dung của Nghị định được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả Vùng Thủ đô.