Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tại Hội nghị trực tuyến sáng 14-6, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng. Hiện mới có 15 địa phương trong cả nước có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 3%; 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%.

Tại Hà Nội, năm tháng đầu năm 2021, dù thành phố và các đơn vị đã có nhiều cố gắng, nhưng nhìn chung việc triển khai và giải ngân các dự án ODA còn khá chậm. Một trong những khó khăn lớn là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chuyên gia nước ngoài hạn chế sang Việt Nam. Các thiết bị như đầu máy toa xe của dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3; thiết bị của nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá phải nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản... đều bị chậm tiến độ sản xuất và giao hàng. Ngoài ra, việc triển khai một số dự án còn gặp các vướng mắc cụ thể. Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 vướng mắc về điều chỉnh thời gian và kinh phí của các gói thầu, do tiến độ thực hiện dự án kéo dài vì chậm giải phóng mặt bằng các ga ngầm. Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 vướng mắc do thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong; quy hoạch ga ngầm C9 (sát hồ Hoàn Kiếm) chưa được thông qua, cho nên không thi công được các gói thầu xây lắp. Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội vướng mắc về việc cơ cấu lại dự án, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh...

Theo đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các dự án ODA đang triển khai tại Hà Nội chủ yếu là các dự án lớn về đường sắt đô thị, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, sự khác biệt giữa quy định hiện hành của Việt Nam và thông lệ quốc tế, quy định nhà tài trợ khi triển khai các hợp đồng với nhà thầu quốc tế dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp. Đây là những khó khăn vượt quá thẩm quyền giải quyết của thành phố, do vậy, thành phố đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp… hướng dẫn UBND thành phố để xử lý các vướng mắc nêu trên, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện, hạn chế các tranh chấp với các nhà thầu.

Giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ngoài việc khắc phục khó khăn do tác động khách quan từ đại dịch, các bộ, ngành cũng cần quan tâm, phối hợp TP Hà Nội tháo gỡ những nút thắt liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, phê duyệt chủ trương đầu tư, xử lý sự khác biệt giữa quy định hiện hành của Việt Nam và thông lệ quốc tế, quy định nhà tài trợ… để giải ngân thông suốt, tiến độ các dự án được đẩy nhanh, đạt các mục tiêu lớn đã đề ra.