Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Sau 10 năm thi công xây dựng và nhiều lần lỗi hẹn, cuối cùng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đã chính thức vận hành từ ngày 6/11.

Sau tuần đầu tiên vận hành với ba đoàn tàu chạy suốt tuyến để phục vụ khách tham quan, ba đoàn tàu chạy đón khách tại các ga, từ ngày 13/11, Công ty TNHH MTV Ðường sắt Hà Nội đã điều chỉnh số đoàn tàu vận hành trong ngày lên sáu đoàn tàu, tần suất chạy 10 phút/lượt. Lượng hành khách trong ngày 13/11 đã đạt 28.035 lượt người, tăng 53% so với ngày 12/11 và bằng 109,2% so với lượng hành khách đi tàu trong thứ bảy tuần trước.

Ðiều đáng nói là sau khi tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Ðông đi vào hoạt động, nhiều người dân Hà Nội đã sử dụng tàu điện để đi làm. Trong số đó, có khá nhiều nhân viên công sở chọn phương tiện này để đi đến chỗ làm, nhằm tránh tắc đường, ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn. Hầu hết mọi người đều đánh giá, do có làn đường riêng, cho nên đi tàu điện nhanh hơn, đúng giờ hơn so với đi bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, ta-xi. Không ít người cho biết, sau giai đoạn đầu được đi tàu miễn phí, họ sẽ mua vé tháng để đi lại thường xuyên bằng phương tiện này. Tuy nhiên, bên cạnh những người cho biết sẽ sử dụng tàu điện thường xuyên để đi làm, đi học, thì cũng có không ít người sau một vài lần đi thử lại quyết định tiếp tục gắn bó với xe máy để đi làm. Nguyên nhân là do tại các nhà ga của tuyến tàu điện này chưa bố trí các điểm trông giữ xe cá nhân, cho nên nhiều người nhà cách xa các bến xe buýt khá bất tiện khi di chuyển. Chưa kể, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông mới chỉ có một tuyến, chưa được kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác, cho nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Theo quy hoạch, ngay cạnh nhà ga Cát Linh của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông (tuyến 2A) là nhà ga ngầm Cát Linh của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) nhằm kết nối hai tuyến đường sắt xuyên tâm này của thành phố. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội không được như mong muốn, chủ yếu do những vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại các nhà ga trên cao và ga ngầm, cho nên khả năng dự án sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành đoạn trên cao (từ Nhổn đến Cầu Giấy) vào cuối năm 2021 và đoạn đi ngầm (từ Cầu Giấy qua Ngọc Khánh - Cát Linh - Quốc Tử Giám về ga Hà Nội) vào năm 2022 như dự kiến. Ngoài tuyến Nhổn - ga Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội còn ba tuyến đường sắt đô thị khác đang được triển khai như tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Ðạo), tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi). Nhưng với tốc độ như hiện nay, cần từ 8 đến 10 năm mới xây xong một tuyến đường sắt, bởi vô vàn những trở ngại phát sinh trong quá trình triển khai thi công. Do vậy thành phố cần phải có những giải pháp đột phá để thực hiện các công trình tiếp theo, nhất là những giải pháp về đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực, để các dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thành mạng lưới liên thông để phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất. Khi mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện, chắc chắn nhiều người dân sẽ tự giác chuyển từ sử dụng xe máy sang tàu điện và xe buýt, khắc phục tình trạng ùn tắc và ô nhiễm. 

Việt Anh