Đẩy nhanh hỗ trợ lao động ngành du lịch

Sở Du lịch Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả hoạt động du lịch trên địa bàn tháng 7/2021. Đợt dịch Covid-19 thứ tư này khiến du lịch lao dốc mạnh hơn dự kiến. 

Tháng 7/2021, thành phố chỉ đón 17 nghìn lượt khách, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 59 tỷ đồng, giảm 98,3% so với cùng kỳ năm 2020. Còn tính gộp từ đầu năm đến hết tháng 7, khách du lịch đến Hà Nội là 2,92 triệu lượt khách, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8,17 nghìn tỷ đồng, giảm 63,6% so với cùng kỳ năm 2020. 
           
Kinh tế du lịch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô trước thời điểm xảy ra đại dịch. Dịch bệnh xảy ra làm nhiều đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê của Sở Du lịch, hơn 90% đối tượng là hướng dẫn viên, đại lý lữ hành, quản lý, phục vụ khách sạn… đã phải nghỉ việc không lương, hoặc chuyển sang làm việc tạm thời trong lĩnh vực khác. So với nhiều lĩnh vực khác, du lịch là hoạt động không thiết yếu. Bởi thế, ngay cả khi dịch bệnh chấm dứt, thì khả năng phục hồi của ngành du lịch cũng chậm hơn so với nhiều lĩnh vực kinh tế khác, vì người dân thận trọng trong chi tiêu hơn. Điều đó đồng nghĩa với khó khăn đối với người sử dụng lao động, lao động trong ngành du lịch có nguy cơ kéo dài hơn.

Sau khi Chính phủ thông qua giải pháp về hỗ trợ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 21/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 3642/QĐ-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Nhiều nhóm người sử dụng lao động, lao động trong ngành du lịch sẽ được hưởng hỗ trợ. Riêng đối với nhóm hướng dẫn viên, thành phố ủy quyền Sở Du lịch phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ. Hiện tại, doanh nghiệp du lịch đối mặt với hai khó khăn: Thứ nhất là tình trạng “chảy máu” nhân lực bởi khi du lịch đã “ngủ đông” trong thời gian dài; thứ hai là nguồn lực tái đầu tư vào sản phẩm mới để đón khách khi dịch bệnh được khống chế. Trong bối cảnh ấy, giải pháp hỗ trợ là hết sức cần thiết. 

Đối mặt với khó khăn kéo dài, bốn đợt dịch bệnh “tấn công” Hà Nội làm ngành du lịch gần như kiệt lực. Do đó, sau khi chính sách được thông qua, các ban, ngành, cơ quan liên quan cần khẩn trương thực hiện biện pháp hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn nói chung, ngành du lịch nói riêng. Bởi những giải pháp này, sẽ góp phần giúp ngành du lịch vượt khó. Qua đó, có thể bảo đảm năng lực đáp ứng nhu cầu của khách, có nguồn lực để tái đầu tư sản phẩm, nhất là khi dịch bệnh được khống chế, góp phần tích cực vào phục hồi kinh tế Thủ đô, đưa du lịch dần phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đề ra.