Chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển

Tại Quyết định số 4098/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại" với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo. 

Để thực hiện thành công mục tiêu, chương trình đã đề ra những lộ trình cụ thể. Theo đó, từ nay đến năm 2025 thành phố tập trung vào các lĩnh vực: chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Phấn đấu dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số... Về phát triển chính quyền số, Hà Nội đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước. 

Vấn đề phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng được chú trọng. Hà Nội phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ  7 đến 7,5%. Thành phố đặt mục tiêu phát triển xã hội số với 80% hộ gia đình sử dụng dịch vụ mạng di động 4G hoặc 5G và điện thoại di động thông minh, mọi người dân được truy cập internet băng rộng với chi phí thấp. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 50%... 

Tuy nhiên, để triển khai đạt hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội cần chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Với lợi thế có hàng chục nghìn doanh nghiệp, tập đoàn lớn tập trung trên địa bàn, tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên là 44,7%, người có việc làm sử dụng internet chiếm 78,2%; trong đó, nhóm có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất, ở mức 60,8%. Thủ đô Hà Nội đã và đang có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Mặc dù vậy, do nhận thức đầy đủ về nhu cầu chuyển đổi số, cho nên nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có sự đầu tư thỏa đáng và sự chuẩn bị cho chuyển đổi công nghệ số. Mặt khác, quá trình chuyển đổi số rộng và mang tính bao trùm, vì vậy để chuẩn bị nguồn nhân lực rất cần có các chương trình tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số, về kỹ năng ứng dụng công nghệ phục vụ công việc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.