Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết

Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Các loại hàng hóa được đưa từ các tỉnh, thành phố về Thủ đô hoặc được nhập khẩu chiếm từ 40% đến 65% lượng thực phẩm của người dân Thủ đô. Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người tiêu dùng lại canh cánh nỗi lo về an toàn thực phẩm.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn Hà Nội hiện có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ; trong đó, có bảy cơ sở giết mổ công nghiệp tại huyện Ðông Anh, Ðan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm; 58 cơ sở bán công nghiệp; 673 cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ. Ðáng chú ý, hầu hết các địa điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, tự phát nêu trên không bảo đảm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải dẫn tới ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ngay dưới nền nhà, nền sân cũng tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn nhỏ lẻ, manh mún, các vùng sản xuất tập trung còn ít, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thật sự thu hút được nhiều doanh nghiệp. Cộng với nguồn lực đầu tư, công tác bảo trì nhà xưởng, trang thiết bị, bảo đảm an toàn thực phẩm, ghi chép truy xuất nguồn gốc còn nhiều bất cập… cũng là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Hà Nội hiện nay.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, trong khi nhu cầu sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng rau, thịt, cá... tăng mạnh, đang tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm. Ðể ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là giám sát chất lượng sản phẩm từ vùng sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm trên diện rộng nhằm truy xuất nguồn gốc, phát hiện, yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo hình thức đột xuất các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm, chủ động ứng phó các sự cố mất an toàn thực phẩm.

Về lâu dài, bên cạnh việc phối hợp các địa phương triển khai quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm và phát triển sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường các giải pháp mở rộng sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.