Kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội

Để nét đẹp Tràng An lan tỏa (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 4: Cần sự nỗ lực bền bỉ, lâu dài của cả cộng đồng

Những chuyển biến tích cực trong triển khai Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố và QTƯX nơi công cộng đã có, nhưng chưa đồng đều, chưa tạo đột phá. Tại một số công sở, cán bộ chưa nhiệt tình, thân thiện khi tiếp dân; không ít vườn hoa, quảng trường, khu chợ, bến xe... còn tình trạng xả rác, hút thuốc không đúng nơi quy định. Điều đó cho thấy, việc thực hiện QTƯX đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ, lâu dài của cả cộng đồng.

Quy định về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự tại phủ Tây Hồ. Ảnh: ANH TUẤN
Quy định về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự tại phủ Tây Hồ. Ảnh: ANH TUẤN

Chuyển biến chưa đều

Đầu năm 2018, khi Đoàn giám sát của HĐND thành phố giám sát việc thực hiện QTƯX tại bộ phận một cửa xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) chứng kiến một công dân thắc mắc về thủ tục hành chính. Công dân cứ việc hỏi, hai nhân viên vẫn mải mê "buôn chuyện". Phải đến khi câu chuyện của họ kết thúc, người dân mới được tiếp chuyện. Song, hai nhân viên nói rằng cán bộ xã không có nhà để ký giấy tờ, trong khi Đoàn giám sát phát hiện, lãnh đạo xã Di Trạch vẫn đang ở trụ sở. Mặc dù trước đó không lâu, thành phố đã chỉ đạo xử lý nghiêm vụ cán bộ bộ phận một cửa tại phường Văn Miếu (quận Đống Đa) gây phiền hà cho dân trong thủ tục khai tử, nhưng thực tế cho thấy, không ít cán bộ chưa rút kinh nghiệm, không quan tâm đến thực hiện QTƯX của cán bộ, công chức.

Nếu như ở các di tích, địa điểm du lịch, việc thực hiện QTƯX nơi công cộng tạo chuyển biến khá rõ nét, thì tại các chợ, bến tàu, bến xe, nhiều khu vực vỉa hè, lòng đường..., QTƯX dường như vẫn còn xa lạ. Có mặt tại nhà chờ Bến xe Mỹ Đình trong một ngày giữa tháng 7-2018, chúng tôi thấy không ít túi ni-lông, chai nước bị hành khách vứt bừa bãi trên sàn, nhiều người hút thuốc không đúng nơi quy định... Tình trạng nêu trên cũng xuất hiện ở một số bến xe khác như: Bến xe Nước Ngầm, Bến xe Gia Lâm... Những nội dung của QTƯX ít được người dân tôn trọng khi tham gia giao thông. Trên phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) vốn nổi tiếng là "phố cà-phê", nhiều lần các lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm quán xá chỉ giảm đi vào ban ngày. Tối đến, nhiều cửa hàng bày bán khá lộn xộn. Tương tự là "phố cà-phê" Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng) và không ít tuyến phố khác. Hàng quán bày bán lộn xộn không chỉ do các chủ hàng, mà còn có sự "hợp tác" tích cực của khách hàng.

Chợ Đồng Xuân là địa chỉ thu hút nhiều khách du lịch khi đến Hà Nội. Tuy nhiên, khách du lịch cũng như người dân Thủ đô thường "ngại" vào chợ. Chợ chật hẹp, hàng quán dày đặc, nhiều chỗ vứt rác bừa bãi. Anh Đi-e-gô Mô-ri-lát (Tây Ban Nha) sau một lần tham quan chợ Đồng Xuân kể lại: "Tôi thấy chợ bán nhiều sản phẩm lần đầu tôi được thấy. Tôi xem và hỏi người bán về mặt hàng đó, nhưng họ tỏ vẻ khó chịu khi tôi không mua hàng, rồi sau đó đốt một tờ giấy đưa qua, đưa lại quanh chỗ tôi đứng". Việc "đốt vía" khi khách hỏi mà không mua hàng vẫn thường xảy ra trong các chợ. Phần lớn các khu chợ chưa niêm yết QTƯX nơi công cộng, tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc, nói thách khá phổ biến.

Thay đổi nhận thức

Qua hơn một năm thực hiện, việc triển khai hai QTƯX mới chỉ đem lại hiệu quả bước đầu, chưa tạo đột phá trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Trần Thế Cương, qua hơn một năm thực hiện QTƯX, sự chuyển biến diễn ra chưa đồng đều. Những nơi thực hiện QTƯX chưa hiệu quả là do cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt, sâu sát. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động thừa nhận: "Việc thực hiện QTƯX chưa đạt hiệu quả như mong muốn một phần do chúng ta mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vận động, nhắc nhở..., chưa có chế tài xử phạt, cho nên một bộ phận cán bộ, công chức, người dân chưa tự giác thực hiện".

Thực tế cho thấy, những hạn chế trong thực hiện QTƯX, nhất là QTƯX nơi công cộng hết sức đa dạng, mỗi khu vực lại có những đặc điểm riêng. Khu phố cổ do mật độ cư dân lớn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh còn phổ biến. Khu vực ngoại thành, tình trạng phơi lúa, rơm trên đường... diễn ra thường xuyên. Một số thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, như việc nói thách ở chợ, việc không giữ gìn vệ sinh ở bến tàu, bến xe, vườn hoa... Muốn thay đổi những điều này đòi hỏi nỗ lực bền bỉ, và sự sáng tạo trong cách làm của mỗi địa phương. Cùng việc tăng cường tuyên truyền, vận động, Sở Nội vụ thành phố đang xây dựng chế tài đối với một số vi phạm, nhất là với hành vi không đúng mực của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Chương trình 04 - Ctr/TU của Thành ủy chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện hai QTƯX. Cụ thể, Đoàn Thanh niên đi sâu, đi sát vận động thanh, thiếu niên không nói tục, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, có ý thức khi tham gia giao thông; Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động chị em thực hiện nếp sống văn minh thương mại, hạn chế sử dụng túi ni-lông; người cao tuổi tích cực làm gương thực hiện QTƯX trong gia đình...

Tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình 04 - Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” cách đây chưa lâu, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai hai bộ QTƯX phải đạt kết quả rõ rệt, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng chí yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thay đổi nhận thức trong thực hiện QTƯX, gương mẫu thực hiện, để công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị noi theo. Các quận, huyện, thị xã, xã, phường có thể kiểm tra chéo để học tập những điểm tốt, hạn chế những bất cập. Các địa phương cần tập trung triển khai QTƯX ở những nơi tập trung đông người như chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi, bến xe...
Hà Nội có nét văn hóa ứng xử truyền thống được cả nước biết đến là phong cách thanh lịch của người Tràng An qua hàng nghìn năm. Hai QTƯX đã tạo cơ sở xây dựng văn hóa Hà Nội hiện đại mà vẫn hài hòa với truyền thống. Song thực tiễn cho thấy, để những nét thanh lịch, văn minh lan tỏa trong cuộc sống, nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể là không đủ. Mỗi người dân cần có ý thức hơn trong giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa văn minh thanh lịch, hành động có trách nhiệm với tư cách là một công dân Thủ đô Hà Nội.

---------------------------

(*) Xem trang Hà Nội (Báo Nhân Dân) từ số ra ngày 13-7-2018.