Trắng đêm dập lửa cứu rừng

Những ngày qua, tại một số địa phương ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra cháy rừng với cường độ cao, rất nguy hiểm. Các địa phương đã phát huy tốt “bốn tại chỗ”, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng chữa cháy căng mình, trắng đêm dập lửa để cứu rừng...

Các lực lượng khống chế ngọn lửa ở khu vực núi Mồng Gà (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Các lực lượng khống chế ngọn lửa ở khu vực núi Mồng Gà (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Liên tiếp cháy rừng

Tại Hà Tĩnh, vào khoảng 16 giờ ngày 29-6, một đám cháy khởi phát từ địa phận xã Ân Phú (huyện Vũ Quang), sau đó đã nhanh chóng lan sang khu vực thôn 4, xã Sơn Long và khu vực giáp ranh xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn. Ngay khi có tin báo cháy, huyện Hương Sơn đã huy động các lực lượng chữa cháy thường trực với quân số gần 300 người kịp thời có mặt, tiếp cận hiện trường và dùng các phương tiện để khống chế đám cháy. Tuy nhiên, do địa hình núi cao, cộng với gió Tây Nam thổi mạnh, lớp thực bì tại khu vực cháy dày được tích tụ lâu ngày khiến đám cháy bùng phát rất nhanh. Trước diễn biến phức tạp của đám cháy, ngoài lực lượng được huy động tại chỗ, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động thêm 300 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cùng phối hợp dập lửa. Các lực lượng chữa cháy đã thức trắng đêm để nỗ lực cứu rừng, đến 5 giờ ngày 30-6, đám cháy tại khu vực núi Mồng Gà thuộc địa phận ba xã (Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Bình) được dập tắt. Tuy nhiên, sau khi đám cháy được khống chế, lực lượng chữa cháy rút khỏi hiện trường thì vào khoảng 8 giờ 30 phút, đám cháy lại bùng phát trở lại, khiến các lực lượng phải nhanh chóng tập trung tiếp tục khống chế ngọn lửa. Có mặt tại hiện trường ngay khi đám cháy mới bùng phát, đồng chí Trần Văn Kỳ, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn cho biết: Chúng tôi đã phát huy tốt “bốn tại chỗ”, trong quá trình chữa cháy, huy động được nhiều lực lượng tham gia cho nên đã hạn chế cháy lây lan cũng như thiệt hại.

Trắng đêm dập lửa cứu rừng -0
 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Nghệ An và các lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại huyện Diễn Châu. Ảnh: CAO LOAN

Tại Nghệ An, suốt từ ngày 26-6 đến nay, đã xảy ra bốn vụ cháy rừng, thiêu trụi hàng chục héc-ta rừng thông nhiều năm tuổi và rừng keo. Cụ thể, chiều 26-6, xảy ra cháy rừng tại khu Rú Bạc, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành; sau đó, rạng sáng 27-6, cháy lây sang rừng các xã Diễn Lộc, Diễn Phú (huyện Diễn Châu) và cho đến tận 10 giờ sáng 28-6 các lực lượng chữa cháy của huyện Diễn Châu và của tỉnh mới cơ bản dập tắt đám cháy ở hai xã. Đến 14 giờ ngày 29-6, lửa lại bùng phát ở xóm 15, xã Diễn Phú và đến 20 giờ cùng ngày lửa bùng phát tiếp ở rừng thông đồi Lịn, tại xóm 5, xã Diễn An. Do nắng nóng, các đám cháy lại nằm trên núi cao khiến việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, phải đến rạng sáng 30-6, đám cháy mới được dập tắt. Đến nay, các đám cháy đã được khống chế, không để lan sang các cánh rừng khác hay khu dân cư sinh sống gần rừng; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng chữa cháy cũng như người dân.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Diễn Châu Hà Xuân Quang cho biết: Địa phương đã huy động tổng lực các lực lượng của huyện (bộ đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ, các phòng, ban trực thuộc) cùng người dân và lực lượng hỗ trợ của tỉnh tham gia chữa cháy kịp thời cho nên đã ngăn chặn, không để lửa cháy lan sang các cánh rừng khác. Các vụ cháy rừng ở Diễn Châu kéo dài nhiều ngày đêm nên tỉnh luôn duy trì lực lượng chữa cháy lên đến hàng nghìn người. Để kịp thời dập tắt các đám cháy rừng ở Diễn Châu, các lực lượng vũ trang Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện để cùng phối hợp với các lực lượng chữa cháy địa phương chống “giặc” lửa trong thời gian dài cả ngày, lẫn đêm, điều kiện thời tiết nắng nóng, khói độc dày đặc. Đồng hành cùng các cán bộ, chiến sĩ, đông đảo nhân dân địa phương cũng đã kịp thời có mặt cùng tham gia dập lửa xuyên đêm. Chị Hồ Thị Nhàn, thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn; anh Nguyễn Hồng Hải ở Công ty Sự kiện rạp cưới Hồng Nguyễn ở Diễn Châu, tuy nhà ở rất xa đám cháy nhưng đã cùng nhiều người dân khác bỏ tiền riêng để mua bánh mì, bánh kẹo, nước uống lên tiếp tế cho lực lượng chữa cháy... 

Ngay sau khi khống chế được đám cháy, các địa phương hai tỉnh đã bố trí lực lượng kiểm lâm, chủ rừng tổ chức canh gác, tiến hành dập tắt hoàn toàn tro, than, hạn chế lửa có thể bùng phát trở lại khi gió Tây Nam nổi lên. Những khu vực có nguy cơ bùng phát trở lại thì tập trung lực lượng, phát quang thực bì phòng cháy lan rộng. Mức độ thiệt hại do cháy rừng trong những ngày qua đang được các ngành chức năng làm rõ. 

Bài học trong phòng, chống cháy rừng

Chiều 30-6, trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện đang có mặt để chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại xã Sơn Long (huyện Hương Sơn) cho biết, về nguyên nhân gây cháy rừng diễn ra liên tục trong thời gian gần đây tại Nghệ An và Hà Tĩnh là do lúc này đang là cao điểm của đợt nắng nóng. Nguy cơ cháy rừng hiện đang được cảnh báo ở hầu hết các tỉnh có rừng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, nhưng riêng tại hai tỉnh trên đang chịu ảnh hưởng của các đợt gió phơn tây nam mang theo hơi nóng, với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức cao (có lúc lên tới hơn 420C), thêm vào đó, rừng tại khu vực này có thảm thực bì khô, dày, mặt đất chủ yếu là sỏi, đá hấp nóng dễ bắt cháy. Trong khi, nước tại các khe núi, sông, suối cạn kiệt, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng tiếp cận nguồn nước để dập lửa. Mặc dù, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng hữu quan thực hiện triệt để các phương án phòng, chống cháy rừng nhưng do điều kiện thiên tai khắc nghiệt, ý thức phòng, chống cháy rừng của một bộ phận dân cư còn kém dẫn đến xảy ra hỏa hoạn. Theo Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cùng với việc huy động lực lượng khống chế ngọn lửa, bảo vệ tài sản cho người dân, đơn vị cũng đang điều tra nguyên nhân xảy ra đám cháy. Tuy nhiên, theo phản ánh của phần lớn người dân địa phương và một số cán bộ chuyên môn, khu vực rừng xảy ra cháy nằm gần khu vực sản xuất, sinh hoạt của nhiều gia đình, do đó nếu công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng, chống cháy rừng cho người dân không được tiến hành thường xuyên sẽ khó tránh khỏi những tác nhân do con người gây ra. Chưa kể, khu vực xảy ra cháy thuộc diện rừng nghèo, chủ yếu là thực bì và một số keo tái sinh nên các giải pháp bảo vệ rừng như (xây dựng đường băng cản lửa, chòi canh, tuần tra bảo vệ...) chưa được triển khai đồng bộ. Do vậy, khi xảy ra cháy, với điều kiện nắng nóng gay gắt cộng với gió nam thổi mạnh, đám cháy rất dễ lan rộng sang các khu vực chung quanh...

Công an tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức khám nghiệm hiện trường các vụ cháy rừng ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành vừa qua nhằm xác định, làm rõ nguyên nhân gây cháy để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Sự vào cuộc kịp thời, xử lý các đối tượng thiếu ý thức, tránh nhiệm gây cháy rừng; cùng với việc quy trách nhiệm của người đứng đầu, người có tránh nhiệm để xử lý mang tính răn đe, nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng trong các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức. 

Trưởng phòng Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) Phạm Thanh Tùng cho biết, bên cạnh những yếu tố khách quan như: Tình hình nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng và kéo dài liên tục trong nhiều ngày, gió Tây Nam thổi mạnh; diện tích rừng tự nhiên tập trung có nguy cơ xâm hại cao, trọng điểm dễ cháy lớn, trải đều trên toàn tỉnh… thì những yếu kém nội tại, nhất là ý thức phòng, chống cháy rừng của một bộ phận người dân và cán bộ chưa cao, công tác phòng, chống cháy rừng có khi vẫn chưa được các địa phương, đơn vị quan tâm; hằng năm chưa bố trí đủ kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng theo yêu cầu… khiến cho nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng trở nên nặng nề hơn.

Trước tình hình trên, Cục Kiểm lâm cảnh báo, trong những ngày tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục, ngoài hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương có rừng khác như Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình, Yên Bái… đang có nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, chính quyền các địa phương, chủ rừng, các lực lượng chức năng và nhân dân, thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong cộng đồng để phòng chống cháy, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra.