TP Hồ Chí Minh có niềm tin sẽ kiểm soát được dịch bệnh

NDO -

Tối 13/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình tham gia chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, để giải đáp trực tiếp các thắc mắc của người dân về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố sau ngày 15/9.

Quang cảnh chương trình Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 13/9.
Quang cảnh chương trình Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 13/9.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình khẳng định, thành phố có niềm tin sẽ kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tới.

Với câu hỏi được nhiều người dân quan tâm đặt ra: thành phố sẽ nới lỏng những gì từ ngày 16/9, ông Lê Hòa Bình cho biết, thành phố sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội theo ba giai đoạn. Trong đó, lộ trình từ ngày 16/9 đến 31/10 sẽ có thêm giai đoạn từ ngày 16 đến 30/9. Đây là giai đoạn thử nghiệm nới lỏng giãn cách ở ba địa phương “vùng xanh” là quận 7 và 2 huyện Củ Chi, Cần Giờ. Thành phố đã chuẩn bị các bước đi chắc chắn bảo đảm an toàn. Đặc biệt, từ ngày 16/9, thành phố sẽ cho phép shipper chạy liên quận với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Thành phố sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 để giảm tải gánh nặng khâu vận chuyển hàng hóa.

Chia sẻ với tâm tư của người dân về thời gian giãn cách kéo dài, ông Lê Hòa Bình cho hay, chính quyền thành phố không muốn giãn cách xã hội nặng nề hơn nữa nên việc thí điểm nới lỏng ở ba quận, huyện từ ngày 15 đến 30/9 là để xem xét các bước đi đã bảo đảm an toàn, những điều kiện kiểm soát dịch bệnh để có những bước đi tiếp theo, mong người dân hiểu những khó khăn của thành phố. Việc phòng, chống dịch là nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, để phát triển kinh tế, có phát triển kinh tế mới chống được dịch. Đây là “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, ông Lê Hòa Bình khẳng định: “Hiện, thành phố đã đạt được kết quả là phân được 3 tầng điều trị giúp bảo vệ tính mạng người dân. Do đó, chúng tôi có niềm tin chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế trở lại”.

Giải đáp thắc mắc của người dân về khái niệm thành phố “sống chung với dịch”, ông Lê Hòa Bình thông tin, thành phố đã chuẩn bị 11 kế hoạch, chiến lược, trong đó có nội dung phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Cũng như các quốc gia khác, chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu “Zero Covid” (nghĩa là không có Covid-19), nhưng thành phố phải bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”. Khi đã đánh giá tình hình kiểm soát dịch sau ngày 15/9, thành phố sẽ vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

“Nhưng chúng ta phải thay đổi phương thức sinh hoạt và sản xuất. Đó là làm việc “online”, bảo đảm kết nối cung cầu. Đặc biệt bảo đảm 2 trụ cột y tế là độ phủ vaccine và mức độ an toàn của ngành y tế”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Ông Lê Hòa Bình cũng cho biết, thành phố đang xây dựng các tiêu chí an toàn để “mở cửa” cho doanh nghiệp hoạt động trong thời gian tới. Trong đó, thành phố tập trung vào 8 lĩnh vực cùng 4 phương thức sản xuất “sẽ sớm được thí điểm ban hành”. Thành phố đã làm việc với các ngân hàng để bàn về chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và “sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng như giãn các khoản nợ, khoanh nợ”. Riêng về thủ tục hành chính, ông Lê Hòa Bình cam kết, thành phố sẽ đẩy mạnh giải quyết nhanh nhất cho doanh nghiệp, chẳng hạn như được vay trong vòng một tuần, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Nhận được nhiều câu hỏi của người dân về việc chậm trễ và sót đối tượng chi trả gói trợ cấp 1,5 triệu đồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình bày tỏ tâm tư và chia sẻ, thành phố hiểu được những khó khăn của người dân phải “đứt bữa”, "Mong bà con cô bác chia sẻ. Chúng tôi không lường được khó như vậy, ngay đại dịch này". Thành phố cố gắng trong vòng 1-2 ngày nữa sẽ "rà lại hết" những người bị sót, chi trả xong gói thứ 2.

Ông Lê Hòa Bình cho biết, thành phố sẽ triển khai tiếp gói hỗ trợ thứ 3. Gói này không phân biệt người dân tạm trú hay thường trú, chỉ cần “cứ mất việc là thực hiện”, tiền trợ cấp sẽ tính theo đầu người. Để khắc phục những hạn chế trước, thành phố sẽ tính toán để chi tiền hỗ trợ thông qua hai hình thức là tiền mặt và gửi qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử.

Thành phố sẽ kiến nghị Trung ương, đồng thời dùng ngân sách thành phố để triển khai gói thứ 3 sớm nhất, trong đó bao gồm tiền và 2 triệu túi an sinh. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, song song với đó sẽ đánh giá các giải pháp này để tạo được hiệu quả tốt nhất cho người dân trong thời gian tới.