Đắk Lắk là tỉnh miền núi có vị trí địa lý ở trung tâm của vùng Tây Nguyên. Diện tích tự nhiên 13.125 km². Dân số trên 1,9 triệu người; tỉnh có 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; có 184 xã, phường, thị trấn. Vùng nông thôn có 152 xã với diện tích chiếm 97,6% diện tích toàn tỉnh; với gần 309.000 hộ, 1.335.000 khẩu, chiếm 79,3% tổng số hộ, 77,2% số khẩu toàn tỉnh. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển nền kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Toàn tỉnh hiện có 49 dân tộc anh em sinh sống gồm: người Kinh chiếm gần 70%; các dân tộc thiểu số chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào Êđê, M’nông và J’rai là các dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm hơn 50%, còn các dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác di cư đến như: Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái và Mông và một số dân tộc ít người như Cơ Ho, X’Tiêng, Khơ Mú, Phủ Lá, Mạ, Giấy, La Hủ, Lự, Chút... Mỗi dân tộc thiểu số có những kinh nghiệm sản xuất, những nét văn hóa truyền thống, những phương thức sinh kế đặc trưng góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng cho Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa… thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển nền kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk.

Triển khai tổ chức thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; trên cơ sở đó đã ban hành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện Chương trình.

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là hơn 627 nghìn ha (trong đó có hơn 298 nghìn ha đất đỏ bazan màu mỡ), thuận lợi cho việc phát triển các loại cây cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, ca cao và một số loại cây ăn quả chủ lực như bơ, sầu riêng, cam, quýt, vải thiều, chôm chôm … ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã đặt ra định hướng phát triển nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực này.

Do vậy, bước đầu Đề án OCOP của tỉnh Đắk Lắk xác định có 84 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó, nhóm thực phẩm có:  tiêu, bơ, sầu riêng, cam, quýt, các loại rau quả; mật ong, heo thịt, cá tầm, cá lăng đuôi đỏ, chả cá thác lác … Sản phẩm đồ uống có: cà phê và các sản phẩm của cà phê, ca cao và các sản phẩm ca cao, trà thảo mộc, trà mãng cầu, hạt mắc ca, rượu mắc ca, chanh dây … Nhóm thảo dược có: tinh bột nghệ, thuốc Ama Kông, tinh dầu sả. Nhóm vải và may mặc có: vải thổ cẩm. Nhóm trang trí-nội thất-lưu niệm có các khu du lịch: Buôn Ko Tam, Trob Bư, cụm du lịch thác Thủy Tiên, du lịch cầu treo Buôn Đôn …  

Thác Đray nur - Đắk Lắk

Thác Đray nur - Đắk Lắk

Lũy kế đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao (8 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm đạt 3 sao).

Trong đó, giai đoạn 2018-2020 có 35 sản phẩm đạt từ 3 sao, vượt 23 sản phẩm so với chỉ tiêu kế hoạch (31 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm 4 sao). Năm 2021, có 37 sản phẩm đạt từ 3 sao (33 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao).

Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế, như cà phê, ca cao, mắc ca,.... Việc xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là “nền móng” để triển khai thành công chương trình này.

Nắm bắt được ý nghĩa, mục đích đó, Đắk Lắk đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có về tiềm năng, sản phẩm phong phú, chủ lực như cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mac ca… nguồn nhân lực, vật lực, củng cố hoàn thiện mẫu bao bì sản phẩm, mức chất lượng,… đồng hành cùng với các chủ thể sản phẩm, xác định mục tiêu thị trường mà sản phẩm hướng đến để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, từ đó khơi dậy nội lực, sự tâm huyết của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ.

Đắk Lắk cũng đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội.

Đắk Lắk cũng đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội.

Ngoài sản phẩm OCOP được công nhận như hiện nay (chủ yếu thuộc ngành thực phẩm) Đắk Lắk cũng đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của tỉnh nhà đến du khách trong và ngoài nước.

Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương mại-dịch vụ nông sản theo hướng bền vững; coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 23-24%, ngành trồng trọt 70-72%, ngành dịch vụ 5-6%; tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu cà-phê, hồ tiêu, sắn, cây ăn trái (bơ, sầu riêng, cây có múi) mật ong theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung tiếp tục phát triển rừng, chăn nuôi bò thịt, lợn và cá nước lạnh trở thành ngành hàng có tính cạnh tranh cấp vùng; thu hút đầu tư và phát triển chế biến sâu nông lâm sản và dịch vụ thương mại; giúp nâng cao thu nhập người dân địa phương.

Ngoài ra Đắk Lắk cũng đặt mục tiêu nâng cao diện tích và sản lượng sản phẩm chủ lực. Cụ thể, đến năm 2025 diện tích cà phê đạt 203.000 ha, sản lượng đạt 487,2 nghìn tấn, diện tích hồ tiêu đạt 35.000 ha, sản lượng đạt 77,0 nghìn tấn; diện tích cây ăn quả 28.000 ha, sản lượng 326,6 nghìn tấn/năm; đàn bò khoảng 310 nghìn con/năm, sản lượng thịt 17.160 tấn/năm.

Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trong những năm tới, đặc biệt khi các sản phẩm OCOP mở rộng nguồn nguyên liệu, tỉnh Đắk Lắk sẽ ban hành các quy định, nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương như chi: triển khai chu trình OCOP thường niên, thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, Trung tâm OCOP và phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý,‎ chất lượng, bảo hộ thương hiệu, chi thưởng cho các sản phẩm đạt sao OCOP... Trước mắt, hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Trước mắt, tỉnh sẽ đẩy mạnh 4 hoạt động, đầu tiên là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trên toàn quốc; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước…

Tiếp đến là hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở Công thương lập Đề án khảo sát, xây dựng và ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (theo Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 của Bộ Công thương về việc ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020). Việc chuẩn hóa theo các tiêu chí của Quyết định 920 giúp cho các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở thành một nguồn cung cấp hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng các nhu cầu về những sản phẩm hàng hóa chất lượng, tinh xảo, độc đáo, ẩn chứa trong mình những yếu tố lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh, trao truyền qua các thế hệ ở mỗi vùng miền trên cả nước.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Đồng thời, còn tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối, đáp ứng được những khát khao của các chủ thể, các nhà sản xuất OCOP. Qua đó các nhà phân phối sẽ chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật để sản phẩm OCOP có thể xuất hiện.

Ngoài ra, phải gắn kết Chương trình OCOP vào xây dựng nông thôn mới, xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là một Chương trình Mục tiêu quốc gia, còn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện; như vậy việc thực hiện chương trình OCOP là nhằm gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, qua đó thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất”, nâng cao thu nhập cho người dân, nhằm thực hiện tiêu chí số 10, số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP ở Đăk Lăk đang hướng đến mục tiêu khẳng định vị thế cho nông sản địa phương. Việc này đang trở thành động lực để kích thích phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới.

Hạt điều

Hạt điều

Ca cao

Ca cao

Mắc ca

Mắc ca

Chôm chôm

Chôm chôm

Item 1 of 4

 “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là một chương trình lớn, mà thành quả nó mang lại sẽ góp phần cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo mới về chất cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Với mục tiêu, sản phẩm OCOP mang dấu ấn địa phương nhưng được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia và toàn cầu. Do đó, việc xây dựng và triển khai OCOP gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang và sẽ đặt ra cho Đắk Lắk nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức. Bản chất và nguyên tắc của Chương trình OCOP là một quá trình sáng tạo không ngừng, luôn có sản phẩm mới và giá trị mới được tạo ra, theo tư duy ngày càng tốt hơn. Cho nên chương trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc.

Thuận lợi cơ bản nhất là, thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương, sau khi phê duyệt Đề án OCOP vào năm 2019,  tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thành lập bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã trên cơ sở bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia của cấp tỉnh, huyện; bổ sung nhiệm vụ cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế cấp huyện.

Tại cấp tỉnh đã thành lập Tổ OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (tổ gồm 3 công chức, viên chức biệt phái từ các đơn vị trục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); cấp huyện đến nay 15/15 huyện, thị xã thành phố giao nhiệm vụ triển khai cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế; giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, chủ thể sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện theo chu trình OCOP.

Thứ 2, trên cơ sở các Chuyên đề, Chương trình tập huấn của Trung ương quy định, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có chức năng, có kinh nghiệm tổ chức đào tạo tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP.

Qua đó, đến nay về cơ bản đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp đã nắm rõ được nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả; đối với các chủ thể sau khi tập huấn đã nhận thức được ý nghĩa Chương trình cũng như cách thức, quy trình hình thành và phát triển sản phẩm OCOP, từ đó ngày càng có nhiều chủ thể đăng ký tham gia phát triển sản phẩm và sảm phẩm ngày càng có chất lượng hơn.

Thứ 3, xác định công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, chất lượng của Chương trình. Do đó, ngay từ khi mới triển khai Chương trình, tỉnh đã thực hiện các hình thức tuyên truyền như: Phối hợp với Đài phát thanh thanh - truyền hình tỉnh Đắk Lắk và các báo Nông nghiệp, Nông thôn ngày nay, xây dựng các phóng sự tuyên truyền về Chương trình OCOP phát trên sóng truyền hình tỉnh; các chuyên mục tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các báo; ban hành Sổ tay tuyên truyền về Chương trình OCOP; ngoài ra, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của Văn phòng Nông thôn mới của tỉnh, các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã...

Tuy nhiên, cũng có những thách thức sau:

- Do xuất phát điểm của đa số các xã của tỉnh thấp, khát vọng của đảng viên cán bộ và nhân dân muốn nhanh đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn vừa là yêu cầu bức xúc trước mắt, vừa có tính lâu dài, vừa là khâu đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay, trong khi đó nguồn lực hạn chế, nông dân còn nghèo.

- Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gây áp lực và thách thức cho lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn nói riêng, nhất là môi trường sinh thái.

- Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng yêu cầu sản xuất hàng hoá ngày càng cao về chất lượng, bảo đảm số lượng, đủ điều kiện sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm, mã số, mã vạch, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc nguyên liệu, bảo vệ môi trường….

- Mâu thuẩn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn; sản xuất manh mún; nhiều chính sách còn nghẽn như: đất đai, thu hút đầu tư tư nhân vào ngành nghề nông thôn, tín dụng, bảo hiểm…, kỹ thuật lạc hậu, xúc tiến thương mại hạn chế, hàng hóa không tiêu chuẩn, không nguồn gốc mẫu mã bao bì, thông tin sản phẩm thiếu trung thực, ngoài ra năng lực sản xuất, kỹ năng bán hàng yếu, thiếu liên kết, đầu vào cao, đầu ra thấp, được mùa mất giá, dịch bệnh hoành hành phần nào làm ảnh hưởng sức cạch tranh của hàng hóa chúng ta thấp.

- Cuối cùng là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách nên chưa dành được nhiều sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh cho chương trình OCOP.

Item 1 of 4

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk với lợi thế là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản, việc triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí, địa thế, nền tảng sản xuất với quy mô lớn có thể hình thành vùng chuyên canh, triển khai bằng hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến (sản xuất áp dụng công nghệ cao), giá trị gia tăng cao (nhà máy chế biến, cơ sở sản xuât,...), có trách nhiệm và bền vững.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk lũy kế có hơn 65% số xã (100 xã) đạt chuẩn nông thôn mới và có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cấp chất lượng cho 72 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP (8 sản phẩm đạt 04 sao và 64 sản phẩm đạt 3 sao); phấn đấu mỗi năm có khoảng 50 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, đến năm 2025 nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia, đồng thời tăng cường ứng dụng các giải pháp số (công nghệ 4.0) trong sản xuất, thương mại sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho OCOP và bán hàng.

Một số yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với đóng góp Chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi địa phương; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch -đẹp; Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế dulịch nông thôn.

Item 1 of 1

Tổ chức thực hiện: QUỐC VIỆT
Nội dung: VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH ĐẮK LẮK
Trình bày: BẢO MINH