Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo chuẩn bị và tiếp quản, giải phóng Thủ đô

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 7/10/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".

Tại hội thảo, Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Ủy viên Quân ủy Trung ương - Thứ trưởng Quốc Phòng đã có bải tham luận với chủ đề "Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo chuẩn bị và tiếp quản, giải phóng Thủ đô". Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận.

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: TTXVN

Sau 9 năm chiến đấu trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành được thắng lợi vẻ vang, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới "... củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc"1. Công tác tiếp quản, giải phóng Hà Nội và các đô thị lớn ở miền bắc là nhiệm vụ quan trọng, vô cùng phức tạp, khó khăn. Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp trước khi bàn giao cho ta. Với sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp âm mưu phá hoại về mọi mặt, ngăn trở Chính phủ kháng chiến tiếp quản, giải phóng Thủ đô. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng giao cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với một số lực lượng triến khai thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.

1. Chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác tiếp quản

Về công tác tiếp quản, ngay từ khi đang diễn ra Hội nghị Giơnevơ, ngày 1/7/1954, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về công tác tiếp thu và quản lý các thành phố, thị trấn mới được giải phóng gửi Liên khu ủy 3, xác định đây là nhiệm vụ “quan trọng ngang với tác chiến và cũng là một công tác trọng tâm như tác chiến”, yêu cầu “cần phải nhận rõ vấn đề này mà xếp đặt công tác, bố trí cán bộ và lực lượng” và “cần chọn một cán bộ cấp đại đoàn và một thường vụ khu ủy viên vào ủy ban quân sự quản trị”2.

Ngày 3/7/1954, Ban Bí thư ra Chỉ thị “kể việc bảo hộ các thành phố mới giải phóng", trong đó nhấn mạnh: “Địch còn có âm mưu chiếm lại những thành phố đã mất và sẽ ra sức tìm cách phá hoại, nên trong việc quản trị các thành phố ta cần áp dụng một chế độ quản lý đặc biệt, tức là tiếp thu và quản trị quân Sự”3. Chỉ thị cũng quy định tạm thời việc quản trị quân sự đối với các thành phố, thị xã. Đối với “thành phố có trên ba vạn dân phải tổ chức ủy ban quân chính để quản trị mọi việc của thành phố, gồm cán bộ phụ trách cấp trung đoàn trong quân đội, cán bộ phụ trách cấp tỉnh ủy trở lên... Cán bộ cấp chỉ huy đơn vị vào thành đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban quân chính. Thành phố có độ mười vạn dân số, phải gồm cán bộ phụ trách cấp đại đoàn và cán bộ phụ trách cấp khu, do liên khu ủy hay khu ủy trực tiếp phụ trách”4.

Bộ đội tiến về tiếp quản thị xã Hà Đông. Ảnh: TTXVN

Bộ đội tiến về tiếp quản thị xã Hà Đông. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng đã chỉ rõ: “Việc tiếp quản các thành thị lớn và vùng nông thôn mới giải phóng là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề. vấn đề quan trọng nhất trong tiếp quản là phòng ngừa tình trạng hỗn loạn: phòng ngừa bọn phản động, bọn lưu manh, côn đồ lén lút trong thành phố lợi dụng thời cơ quấy rối, phòng ngừa những hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, vô trật tự có thể xảy ra trong một số bộ đội và đơn vị, trong một số dân quân du kích ở nông thôn và quần chúng nông dân vào thành phố,... đừng để phá hoại, duy trì trật tự xã hội và đời sống bình thường”5. Trách nhiệm nặng nề đó được Trung ương Đảng, Chính phủ giao cho Quân đội, bởi “Việc tiếp quản Hà Nội là một cuộc đấu tranh rất phức tạp trên nhiều mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế và phải có sự phòng bị về quân sự”6.

NHIỆM VỤ TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ CÓ Ý NGHĨA RẤT QUAN TRỌNG

Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Đại đoàn 308) về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: “Tám năm kháng chiến thắng lợi, quân đội và nhân dân ta có rất nhiều công lao, thành tích. Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng,... Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô... phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại,...”7. Người cũng chỉ ra những khuyết điểm cần phải tránh; yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải chú ý học tập, đoàn kết rộng rãi, cán bộ cần phải gương mẫu... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thú đô.

2. Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh khẩn trương chỉ đạo công tác chuẩn bị tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội

Thực hiện nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã khẩn trương chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để thực hiện tốt công tác tiếp quản Thủ đô. Trước hết, phải lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm trong công tác tiếp quản sau giải phóng. Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chọn Đại đoàn 308 là lực lượng chủ công thực hiện. Bởi vì, đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong tiếp quản thị xã Thất Khê sau chiến dịch Biên Giới Thu Đông-1950; tiếp quản các địa phương được giải phóng từ chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào; đặc biệt, “hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”8... Cùng với đó, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong tiếp quản vùng giải phóng cũng được Tổng Quân úy, Bộ Tổng Tư lệnh lựa chọn tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Tiếp quản Thủ đô Hà Nội thắng lợi có ý nghĩa quyết định đối với giải phóng miền bắc. Do đó, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Lê Văn Lương - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Xuân Thủy - Trưởng ban Thư ký ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt và Tố Hữu - Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội. Trong ảnh: Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản đến đó. Ảnh: TTXVN

Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội. Trong ảnh: Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản đến đó. Ảnh: TTXVN

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về việc lựa chọn một đồng chí Đại đoàn trưởng làm Chủ tịch ủy ban Quân chính Hà Nội, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã nhất trí đề xuất Hội đồng Chính phủ để đồng chí Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 làm Chủ tịch ủy ban quân chính Hà Nội, đồng thời lựa chọn đồng chí Lê Quốc Thân là ủy viên Thường vụ Liên khu ủy 3 vào Thành ủy Hà Nội.

Ngày 29/8/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 115 về tăng cường cán bộ cho Thành ủy Hà Nội. Các đồng chí Trần Danh Tuyên - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Tiểu ban Công vận, Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Lê Quốc Thân - Ủy viên Thường vụ Liên khu 3, Ủy viên Ủy ban kháng chiến Liên khu 3, Khuất Duy Tiến - Ủy viên Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu 3 và Trần Duy Hưng - Thứ trưởng Y tế được chỉ định vào Thành ủy Hà Nội. Ngày 6/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao cho đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy về mặt quân sự, đồng chí Lê Quốc Thân phụ trách công tác nội chính.

Để chỉ đạo công tác tiếp quản được thống nhất, ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị thành lập ủy ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch, ủy ban Quân chính Hà Nội “là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hà Nội, thống nhất tập trung mọi quyền lãnh đạo đối với các ngành hoạt động”9.

Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản các công sở từ quân Pháp trong ngày 9/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản các công sở từ quân Pháp trong ngày 9/10/1954. Ảnh: TTXVN

Đầu tháng 8/1954, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Liên khu III tăng cường hơn 100 cán bộ quân đội cho 5 quận ngoại thành Hà Nội. Số cán bộ này nhanh chóng được triển khai xuống các địa phương phát động nhân dân xây dựng tự vệ làm nòng cốt giữ gìn an ninh, bảo vệ mùa màng và góp phần chuẩn bị địa bàn cho các đơn vị bộ đội vào tiếp quản Thủ đô. Lực lượng tự vệ được tổ chức ở hơn 110 trong tổng số 136 thôn, với 1.976 đội viên10. Nhiều nơi đã thành lập được Ban ủy nhiệm thôn đế tiến hành công việc chung.

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cũng ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về tiếp quản Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Để phòng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các lực lượng phản động phá hoại, cũng như khắc phục hậu quả mà chúng có thể gây ra, Tổng Quân úy và Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Đại đoàn 308 phối hợp Trung đoàn 57 cùng các đơn vị công an chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp quản, chiến đấu và bảo vệ Thủ đô khi cần thiết. Theo kế hoạch được Bộ Tổng Tư lệnh phê duyệt, Đại đoàn 308 sẽ tiếp quản toàn bộ các khu vực nội thành và thị trấn Gia Lâm; Trung đoàn 57 sẽ tiếp quản thị xã Hà Đông và những xóm làng phía Tây, phía Nam thành phố Hà Nội.

Để bảo đảm an ninh chính trị ở Thủ đô Hà Nội, bảo vệ an toàn cho các cơ quan Trung ương từ Việt Bắc trở về Hà Nội, ngày 21/9/1954, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 3511, tổ chức Đại đoàn 350, chỉ định đồng chí Hà Ke Tấn - Tư lệnh Liên khu III làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy; đồng chí Nguyễn Đình Tuy làm Phó Chính ủy. Đại đoàn có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ sở chính trị, kinh tế quan trọng ở Thủ đô Hà Nội. Về tổ chức, Đại đoàn 350 được biên chế 3 trung đoàn bộ binh (Trung đoàn 600, Trung đoàn 254 và Trung đoàn 53). Ngay sau khi thành lập, Đại đoàn nhanh chóng ổn định tố chức, biên chế, xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các đơn vị về đứng chân ở các vùng xung quanh Hà Nội, chuẩn bị làm nhiệm vụ đưa, đón các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ về Hà Nội theo kế hoạch.

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các nữ chiến sĩ quân y vẫy chào nhân dân trong ngày về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Các nữ chiến sĩ quân y vẫy chào nhân dân trong ngày về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô. Ảnh: TTXVN

3. Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội

Nhằm chống lại âm mưu phá hoại máy móc và chống địch dụ dỗ, cưỡng bức đồng bào di cư vào miền nam, Tổng Quân ủy, Bộ Tống Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị tham gia tiếp quản tích cực triển khai công tác địch vận. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này đã tập trung thực hiện tốt 4 chính sách lớn của Chính phủ đối với ngụy quân, ngụy quyền12; vận dụng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, kêu gọi binh lính bỏ hàng ngũ trở về với gia đình, quê hương làm ăn, sinh sống. Từ ngày 20/7 đến ngày 10/10/1954, ở Hà Nội đã tiếp nhận hơn một vạn sĩ quan, binh lính địch ra hàng, đồng thời vận động, làm tan rã trên 1.200 sĩ quan, binh lính địch bỏ ngũ, thu 351 súng các loại, 35 tấn đạn, 12 tấn dụng cụ máy móc, 8 tấn thuốc nổ, 58 xe các loại, 4 tàu thủy loại nhỏ, 1 tàu cuốc, 8 xà lan, 8 máy vô tuyến, 20 điện thoại13,...

Trong phiên họp từ ngày 17/9 đến ngày 26/9/1954, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chú Cộng hòa và đại diện của Pháp đã đi đến thỏa thuận những vấn đề về thời hạn, khu vực rút quân của quân viễn chinh Pháp và chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản từng khu vực ở thành phố Hà Nội. Ngày 29/9/1954, bản thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp được ký kết. Phía Pháp đồng ý cho ta thành lập hai tiểu ban: Tiểu ban Trật tự quân sự và Tiểu ban Tiếp quản hành chính sẽ vào trước để nắm tình hình, bảo đảm an toàn khi tiếp quản. Ngày 30/9/1954, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận chuyển giao về quân sự, trật tự. Nội thành Hà Nội được chia thành 2 phân khu, mỗi phân khu chia thành 6 khoảnh và quy định giờ quân đội Pháp rút đi và ta tiếp quản các khoảnh đó.

Một sĩ quan Pháp (bên trái) có nhiệm vụ hướng dẫn Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp thu trụ sở Bộ Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao), ngày 9/10/1954. Nguồn: TTXVN

Một sĩ quan Pháp (bên trái) có nhiệm vụ hướng dẫn Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp thu trụ sở Bộ Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao), ngày 9/10/1954. Nguồn: TTXVN

Thi hành thỏa thuận đã ký kết, ngày 5/10/1954, đội trật tự gồm 158 cán bộ, chiến sĩ của ta vào Hà Nội làm công tác chuẩn bị để nhận bàn giao các cơ quan, công sở, các đồn cảnh sát của Pháp và ngụy quyền. Cùng ngày, 214 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca (Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ đô) được lệnh của Bộ Tông Tư lệnh vào trước để chuẩn bị tiếp nhận các công sở, xí nghiệp, doanh trại và cùng canh gác với binh lính Pháp tại 35 vị trí. Mặc dù, các sĩ quan và nhân viên Pháp được cử ra làm việc với ta đã tỏ ra thiếu thiện chí và không hợp tác tự nguyện, cố ý gây khó khăn, cản trở việc tiếp nhận, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của tự vệ, công nhân viên chức và nhân dân thành phố Hà Nội, hầu hết các nơi trong thành phố, quân Pháp buộc phải hoàn tất việc chuẩn bị biên bản bàn giao và các phụ lục kèm theo như đã thỏa thuận. 8 giờ sáng 6/10/1954, quân Pháp bắt đâu rút khỏi quận lỵ Văn Điển, quân ta tiếp quản và giải phóng quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội. Cùng ngày, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông; ở phía bắc, quân Pháp rút đến vị trí cách tả ngạn sông Đuống 4km.

Về phía ta, thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 7/10/1954, trên các hướng, các đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam tiên dần vào thành phố. Sáng 8/10/1954, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 với sự giúp đỡ của tự vệ đã hành quân vào chiếm lĩnh từ Đê La Thành, Nhật Tân, cẩu Giấy đến Ngã Tư Sở, Bạch Mai, Vĩnh Tuy. Cuối ngày, một số đơn vị bộ đội ta được giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội đã có mặt ở vị trí tập kết. Các đội tự vệ cũng được chuẩn bị sẵn sàng làm nhiệm vụ dẫn đường cho từng cánh quân trên các hướng.

Trong khí thế chiến thắng tưng bừng chuẩn bị cho niềm vui ngày giải phóng, nhăm kịp thời động viên các lực lượng vào tiếp quản Thủ đô, ngày 09/10/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra Mệnh lệnh gửi các đơn vị tiếp quản Thủ đô: “Nhiệm vụ tiếp quản rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, do đó phải đoàn kết giữa các lực lượng để giữ gìn trật tự an ninh Thủ đô. Phải nêu cao kỷ luật, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, luôn nâng cao cảnh giác sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”14.

Nhiệm vụ tiếp quản rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, do đó phải đoàn kết giữa các lực lượng để giữ gìn trật tự an ninh Thủ đô.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam

Cùng ngày, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội ra thông báo gửi toàn thể đồng bào, chiến sĩ Thủ đô. Sau khi nêu rõ ý nghĩa chiến thắng to lớn của cuộc kháng chiến, ủy ban Quân chính thành phố kêu gọi: “Anh chị em công nhân hãy ra sức giữ gìn công xưởng;. Giữ vững và nâng cao mức sản xuất. Các viên chức đã làm việc cho chính quyền Pháp và Bảo Đại hãy đến công sở để tiếp tục làm việc. Học sinh, sinh viên hãy đến trường để tiếp tục học. Anh chị em trí thức hãy đem hết tài năng góp phần xây dựng nước nhà. Anh chị em tiểu thương, tiểu chủ hãy yên ổn làm ăn, phát triển kinh doanh, buôn bán. Các nhà công thương nghiệp hãy ra sức phục hồi sản xuất, mở mang công thương nghiệp. Các sĩ quan, binh lính của chính quyên Pháp và Bảo Đại hãy ra ghi tên. Nông dân ngoại thành hãy hăng hái trồng trọt, chăn nuôi. Tính mạng, tài sản của tất cả ngoại kiều đều được bảo hộ”15.

Sáng ngày 10/10/1954, ủy ban Quân chính Hà Nội và các đơn vị Quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hướng Tây Bắc theo đường 1A, Trung đoàn Thủ đô cùng đoàn cán bộ Thủ đô từ Quần Ngựa theo Kim Mã, tiến qua các phố Hàng Đay, Hàng Bông, Hàng Gai đến Hàng Ngang, Hàng Đào rồi tiến vào thành Hà Nội qua các đường Phan Đình Phùng, Cửa Bắc. Hướng Đông Nam theo đường số 1A, Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88 từ Việt Nam Học xá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, chợ Hôm đến hồ Hoàn Kiếm, tập kết ở khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo. Hướng Tây Nam, đoàn chỉ huy tiếp quản gồm đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban quân chính thành phố cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 từ Bạch Mai qua ngã tư Vọng, chia thành hai cánh: Cánh thứ nhất, theo đường cầu Đổ sang ngã tư Trung Hiền đến Ô Cầu Den, phố Huế, Hàng Bài rồi hội quân với các cánh quân Tây Bắc, Đông Nam ở Bờ Hồ; Cánh thứ hai, theo đường Nhà thương Rôbanh lên Ô Đồng Lâm (Kim Liên) đến Hàng Lọng (đường Nam Bộ) hợp quân với cánh quân từ cầu Giấy vào Cửa Nam rồi tiến theo đường Hàng Bông, Hàng Gai họp quân ở Bờ Hồ. Bộ Tư lệnh Đại đoàn 350 cùng hai Trung đoàn 254 và 53 hành quân từ Giáp Bát qua ngã tư Vọng vào sân bay Bạch Mai rồi triển khai làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố16.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc diễn văn khai mạc trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội (10/1954). Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc diễn văn khai mạc trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội (10/1954). Ảnh: TTXVN

Người dân Hà Nội rạo rực trong niềm vui hân hoan giải phóng. Hàng vạn người dân đổ ra các đường phố đón chào đoàn quân giải phóng. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, buổi lễ bắt đầu, đoàn quân nhạc cử Quốc ca; còi Nhà hát thành phố rú một hồi dài. Đồng chí Vương Thừa Vũ - Chủ tịch ủy ban quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, công tác tiếp quản giải phóng Thủ đô Hà Nội được tiến hành nhanh, gọn, an toàn. Các doanh trại của quân đội Pháp, 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học được thu hồi nguyên vẹn. Sinh hoạt của nhân dân nhanh chóng được ổn định, trật tự trị an được đảm bảo; thông tin liên lạc và các hoạt động công cộng được giữ vững; 12.346 sĩ quan ngụy đã ghi tên ra trình diện17.

Công tác tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội là một trong những sự kiện lịch sử trọng đại. Trong quá trình đó, Tổng Quân úy, Bộ Tổng Tư lệnh quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thành công tốt đẹp. Việc tiếp quản và giải phóng Thủ đô thắng lợi không những đã tạo ra không khí tin tưởng phấn khởi cho người dân Hà Nội mà còn với nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Tồng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo chuẩn bị, tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội là một trong những thành công nổi bật đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ giành được thắng lợi. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, nắm chắc âm mưu của kẻ thù, lập kế hoạch chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát là yếu tố để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đối với nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, buộc đối phương phải chấp hành những nội dung đã được ký kết ở Hội nghị Giơnevơ, bảo đảm cho công tác tiếp quản Thủ đô được thành công trọn vẹn.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Có thể khẳng định, thành công của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo chuẩn bị và tiếp quản, giải phóng Thủ đô đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng hiện nay. Trước hết, thường xuyên quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chủ động, kịp thời xử lý tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên từng khu vực (nhất là khu vực bảo vệ đặc biệt), hướng chiến lược nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Thứ ba, xây dụng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thứ tư, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”,...

Ngày nay, tình hình trong nước, khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự đoán, những kinh nghiệm của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh trong quá trình chỉ đạo chuẩn bị và tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội 70 năm trước vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Ngày xuất bản: 11/10/2024
Nội dung: Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Ủy viên Quân ủy Trung ương - Thứ trưởng Quốc Phòng
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: TTXVN