Họa sĩ Văn Dương Thành:

Tôi muốn mang nghệ thuật đến gần với mọi người

Những ngày đầu xuân, nữ họa sĩ khánh thành không gian nghệ thuật mang tên "Không gian hội họa Văn Dương Thành" tại villa White Lotus đường Nghi Tàm (Yên Phụ, Hà Nội) và khai mạc Triển lãm hội họa Mừng xuân mới Nhâm Dần tại đây với nhiều hoạt động thú vị, thu hút nhiều người yêu nghệ thuật.

"Không gian hội họa này là tất cả tâm huyết một đời tôi dồn vào đó". Ảnh: NVCC
"Không gian hội họa này là tất cả tâm huyết một đời tôi dồn vào đó". Ảnh: NVCC

Là tâm huyết cả một đời mình

- Thưa họa sĩ, ý tưởng xây dựng một không gian nghệ thuật của riêng mình đến với chị như thế nào?

- Bất cứ người sáng tác nào cũng mong muốn có cho mình một không gian nghệ thuật riêng để phục vụ công việc sáng tạo và là cầu nối để gặp gỡ, giao lưu công chúng, bạn bè yêu nghệ thuật. Tôi từ lâu đã ấp ủ một không gian riêng, là tất cả những gì tâm huyết một đời mình dồn vào đó. Chuẩn bị cả chục năm và khoảng hai năm trở lại đây tôi và kiến trúc sư của mình mới thật sự bắt tay vào làm. Giờ đây khi công trình hoàn thành tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

Tôi muốn mang nghệ thuật đến gần với mọi người -0
Họa sĩ Văn Dương Thành

- Cụ thể, không gian hội họa Văn Dương Thành ngoài việc trưng bày tác phẩm và kỷ vật của chủ nhân, sẽ diễn ra những hoạt động như thế nào, thưa chị?

- Đây sẽ là không gian để trưng bày hội họa không phải chỉ của tôi mà của rất nhiều họa sĩ trong và ngoài nước. Có một không gian riêng dành cho tranh của các họa sĩ bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... Ngoài ra là các không gian cộng đồng dành cho những người yêu nghệ thuật, gồm các hoạt động như sáng tác sơn mài, trải nghiệm làm gốm, vẽ tranh trên gốm, phòng nghe nhạc, không gian vẽ tranh dành cho các em nhỏ và phụ huynh... Tôi đã đi thăm bảo tàng ở rất nhiều nước và thấy rằng việc trải nghiệm sáng tác dành cho người tham quan bảo tàng rất được quan tâm. Khi xem tranh xong, người xem có thể dừng lại và vẽ, thích gì vẽ nấy, sau đó có thể mang bức tranh mình vừa sáng tạo về để làm kỷ niệm. Tại không gian của tôi, các em nhỏ và các bậc phụ huynh cũng sẽ được trải nghiệm như vậy. Tôi dành tầng 5 với đầy đủ họa cụ để mọi người trải nghiệm việc vẽ, nếu mọi người cần tôi sẽ hướng dẫn họ. Tôi mong rằng khi bước vào không gian hội họa này, mọi người sẽ tạm thời trút bỏ hết những lo âu của cuộc sống bộn bề ngoài kia và sống cùng với nghệ thuật. Mọi người sẽ thấy nghệ thuật không còn xa lạ mà rất gần gũi, thân thuộc với cuộc sống của mình.

- Chị vừa nói về không gian trưng bày tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy của hội họa Việt Nam Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Được biết các tác phẩm trong bộ sưu tập của chị đều nằm ở nước ngoài, việc đưa tranh về nước có gì khó khăn thưa chị?

- Tôi sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm nên bộ sưu tập tranh của các bậc thầy Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm tôi đã mua bảo hiểm và để kho lưu trữ rất lâu rồi. Một số tranh của các danh họa trong bộ sưu tập của tôi đã từng được trưng bày tại tại Viện Bảo tàng Louvre (Paris, năm 1990), Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương (Thụy Điển, năm 2000)... Nhiều năm qua tôi có một trăn trở là nếu những bảo vật quý giá này chỉ mua bảo hiểm rồi cất giữ thì rất tiếc, vì nhiều người Việt Nam, nhất là những người trẻ yêu nghệ thuật sẽ không được thưởng thức những di sản của các bậc tài danh để lại. Khi xây dựng không gian hội họa riêng, tôi quyết tâm đưa các tác phẩm này về nước. Hiện tại tôi mới đưa được một phần bộ sưu tập thôi, vì bạn biết đấy, việc di chuyển những bức tranh có giá trị từ quốc gia này đến quốc gia kia không dễ, tốn kém tiền bạc, công sức lắm. Trong dịp đầu năm Nhâm Dần tôi đã trưng bày nhiều bức tranh hổ của các bậc thầy, người đến xem rất thích. Có những bức tranh ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ, thậm chí 70 năm về trước, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử.

Tôi còn khoảng hơn 1.000 bức tranh đang lưu giữ tại Thụy Điển nhưng chưa mang về được. Tôi sẽ mang về vào thời điểm thích hợp và cũng có thể tặng một ít cho các bảo tàng.

Trao truyền tình yêu và lòng trắc ẩn

- Được biết, một trong những ưu tiên của chị là giúp đỡ những người yếu thế, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nghệ thuật?

- Tôi biết có không ít họa sĩ yêu và tâm huyết với nghề nhưng đang sống ở các vùng sâu, vùng xa, và nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, việc tổ chức một triển lãm cá nhân không hề dễ dàng. Tôi muốn giúp những tác giả như vậy tổ chức triển lãm cá nhân cho họ. Đồng thời, tôi muốn giúp các em nhỏ có số phận không may mắn ở làng trẻ SOS hay học sinh ở các trường khuyết tật trong quá trình học vẽ, và giới thiệu tranh của các em đến người xem. Việc đi đến các trường để tiếp xúc và giúp đỡ các em tôi đã làm nhiều rồi, nhưng với không gian đặc biệt dành cho hội họa này, nhà trường có thể đưa các em tới đây giúp các em có thêm những trải nghiệm, đồng thời tôi cũng có điều kiện giúp các em nhiều hơn để hoàn thiện tác phẩm.

- Theo chị, để đưa nghệ thuật hội họa đến gần với công chúng, những không gian văn hóa mang tính mở, kết nối với cộng đồng có ý nghĩa như thế nào?

- Muốn cho nghệ thuật trở thành một phần đời sống của mọi người, hãy mang nghệ thuật đến gần với họ, tôi đã nghĩ đến điều này khi có cơ hội đi nhiều nước, đến nhiều địa chỉ văn hóa nghệ thuật, không chỉ những bảo tàng lớn mà rất nhiều những không gian nhỏ thuộc về cá nhân người sáng tác. Chẳng hạn, khi đến Paris, ngoài đi xem các bảo tàng lớn tôi còn rất thích đến thăm nhà của đại văn hào Victor Hugo. Hay khi đến thành phố Saint Petersburg của nước Nga tôi không thể không đến thăm ngôi nhà của văn hào Dostoevsky. Đến Hà Lan, tôi ghé thăm mộ danh họa Van Gogh... Những không gian nhỏ gắn với cuộc đời một người nghệ sĩ có thể góp phần tạo nên bề dày văn hóa lịch sử của một thành phố, thậm chí là của một đất nước.

- Trong những năm gần đây, ngoài việc sáng tác, chị còn chú trọng rất nhiều đến việc giảng dạy hội họa. Vì sao công việc này lại thu hút chị như vậy?

- Tại thời điểm này tôi thấy việc giảng dạy rất quan trọng với mình. Tôi nghĩ đơn giản là những gì mình tích tụ trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật mình có thể rút ngắn, cô đọng lại để truyền đạt cho các học viên, giúp cho họ hiểu về nghệ thuật và gắn bó với công việc sáng tác nếu họ có niềm đam mê. Hiện nay tôi tham gia giảng hội họa cho một số trường, và mở các lớp riêng dành cho những người yêu thích hội họa. Trong quá khứ tôi đã trưởng thành nhờ những người thầy lớn như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm dìu dắt, giờ đây tôi muốn tri ân những người thầy của mình bằng việc trao truyền kiến thức hội họa cho các thế hệ sau.

- Chị cũng rất tích cực tham gia vào các công tác thiện nguyện...?

- Tôi nghĩ rằng người làm nghệ thuật luôn mang theo lòng trắc ẩn về con người. Trong ba năm vừa qua, tôi lập quỹ khuyến học Văn Gói (tên của cha tôi). Tôi bán đấu giá tranh để lấy tiền phát học bổng cho học sinh nghèo, mua gạo, mua mùng mền, áo ấm tặng bà con ở một số địa phương nghèo, xây nhà tình nghĩa cho một số cựu thanh niên xung phong. Tôi làm thiện nguyện theo sức của mình, có bao nhiêu tự làm, chứ không kêu gọi đóng góp của ai cả.

- Cảm ơn họa sĩ Văn Dương Thành về cuộc trò chuyện!