Giải thưởng quốc tế và sự chuyên nghiệp

Thời gian gần đây, nhiều bộ phim Việt Nam chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phổ biến đã được đưa ra nước ngoài tham dự các liên hoan phim, thậm chí “ẵm” nhiều giải thưởng. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét từ góc độ của các cơ quan quản lý.

Ròm là một trong những bộ phim vượt rào tham dự liên hoan phim quốc tế mà chưa có giấy phép phổ biến.
Ròm là một trong những bộ phim vượt rào tham dự liên hoan phim quốc tế mà chưa có giấy phép phổ biến.

Trong nước bị cấm, ra ngoài có giải

Vị, Ròm, Vợ ba… là những bộ phim trong thời gian qua đã bị cơ quan quản lý nhà nước “tuýt còi” vì những lý do như chưa được cấp phép phổ biến vẫn ra nước ngoài tham dự liên hoan phim, hoặc bản phim phát hành tại nước ngoài khác với bản phim được cấp phép phổ biến… 

Gây xôn xao dư luận là lệnh cấm phim Vị được phổ biến tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Điện ảnh cho biết, quyết định này được ban hành vì tác phẩm không phù hợp với văn hóa Việt Nam, vi phạm Luật Điện ảnh. Trước đó, phim Vị cũng đã bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt 35 triệu đồng khi tự ý tham dự Liên hoan phim Berlin 2021 mà chưa xin cấp phép phổ biến. Cũng ở đó, Vị đã đoạt Giải Đặc biệt ở hạng mục Encounters - hạng mục dành cho phim đầu tay, quan điểm mới của Liên hoan phim.

Trước Vị có Ròm, phim của đạo diễn Trần Thanh Huy cũng đi dự thi ở nước ngoài khi chưa được cấp phép phổ biến trong nước. Đơn vị sản xuất Ròm là Công ty cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) đã gửi tác phẩm tới Liên hoan Phim quốc tế Busan 24, trong khi một tuần sau đó mới đưa Ròm trình duyệt với Cục Điện ảnh. Tại Liên hoan phim này, Ròm đã giành giải thưởng cao nhất - New Currents. Sau đó, trải qua nhiều công đoạn, cuối cùng thì Ròm cũng đã được cấp phép phổ biến.

Trở về từ các liên hoan phim ở nước ngoài, đáng lý giải thưởng phải trở thành động lực để các bộ phim Việt gặt hái thành công ở thị trường trong nước. Nhưng thực tế với những trường hợp như Vị, Ròm…, sau giải thưởng lại là án phạt. Đáng nói là, Vị, Ròm không phải là những trường hợp hy hữu của điện ảnh Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà làm phim độc lập tự gửi phim dự giải quốc tế khi chưa có giấy phép phổ biến theo quy định của Luật Điện ảnh, cho nên rất dễ xảy ra tình trạng phim đoạt giải ở xứ người nhưng về nước lại không được chiếu. Theo giới chuyên môn, lý do của tình trạng này là hiện nay, nhiều liên hoan phim quốc tế tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị mà không thông qua cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Cục Điện ảnh. Chính vì thế, không ít đơn vị sản xuất, đạo diễn mang phim đi dự thi, công bố ở nước ngoài trước, sau đó mới về nước xin cấp phép phổ biến và phân loại phim. 

Phim Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh trước khi ra mắt khán giả trong nước cũng đã giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, vi phạm của phim ở chỗ các bản chiếu rạp không đúng với bản được duyệt cấp phép và lưu chiểu, nên sau đó nhanh chóng phải rút khỏi rạp. Vợ ba còn có không ít cảnh gây tranh cãi như việc để diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng, một số hình ảnh dung tục không phù hợp văn hóa Việt. Ngoài ra, Vợ ba cũng tồn tại bản phim đang tràn lan trên không gian mạng, đây cũng không phải là bản phim đã được cấp phép phổ biến.

Nhiều bất cập cần khắc phục

Vấn đề đặt ra ở đây là, một bộ phim được giải ở liên hoan phim nước ngoài, trong khi không được cấp phép phổ biến trong nước đã cho thấy những bất cập cần khắc phục. Trên thực tế, nhiều giải thưởng tại một số liên hoan phim Âu, Mỹ khuyến khích điều khác lạ, những góc tối, góc khuất ở các nền điện ảnh khác. “Có nhiều phim được giải quốc tế chưa chắc được hội đồng trong nước đánh giá cao, bởi mỗi nền văn hóa có giá trị chuẩn mực khác nhau”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Điện ảnh chia sẻ. Mặt khác, tác phẩm của các nhà làm phim độc lập, với quan điểm mới mẻ trong điện ảnh, dù được trao giải tại các hạng mục ở một số liên hoan phim quốc tế thì cũng cần được đón nhận một cách phù hợp với bối cảnh, tâm lý cuộc sống Việt Nam.

Hiện nay, theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến phim chưa được phép phổ biến. Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả quy định buộc tiêu hủy băng, đĩa hoặc những vật liệu chứa nội dung phim đối với hành vi này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi. Tuy nhiên, mức xử phạt này được đánh giá là chưa đủ sức nặng và tính răn đe.

Trong khi đó, nhìn sang một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore..., những quy định pháp luật xử lý các hành vi vi phạm như phát hành và chiếu phim chưa có giấy phép; thay đổi nội dung phim sau khi có giấy phép phổ biến, phát hành và phổ biến; cung cấp phim chưa được cấp phép phổ biến tham gia liên hoan phim... đều có mức xử phạt rất nặng. Hoặc tùy mức độ vi phạm, ngoài xử phạt hành chính còn có thể đình chỉ hoạt động nghề nghiệp, tiêu hủy thiết bị sản xuất để tăng tính răn đe. Đây là những kinh nghiệm thiết thực mà Việt Nam có thể học tập. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) hiện trong quá trình hoàn thiện vì thế cũng cần khẩn trương bổ sung quy định nhằm điều chỉnh, siết chặt quản lý việc đưa phim tham dự các liên hoan phim ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp chấn chỉnh các doanh nghiệp điện ảnh, nhà sản xuất... về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tự ý mang phim chưa được cấp phép tham dự các liên hoan phim ở nước ngoài. Bởi, hành vi tự ý đưa tác phẩm tham dự các liên hoan phim khi chưa được phép phổ biến thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp từ phía các nhà làm phim.