Nhóm nông sản biến động trái chiều, giá lúa mì giảm hơn 9%

NDO -

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá 31 mặt hàng đang giao dịch trong ngày hôm qua, khiến chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu. Đóng cửa phiên 10/03, MXV-Index giảm 1,17% về mức 3.005,28 điểm.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
mxv.jpg -0

Diễn biến có phần tiêu cực của giá các loại hàng hóa khiến giá trị giao dịch tại Sở cũng giảm mạnh về mức xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây. Lúa mì tiếp tục biến động rất mạnh sau khi giảm kịch sàn, trái chiều với các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu còn lại trên Sở Chicago.

Nối tiếp đà bán từ sau Báo cáo Cung-cầu nông sản thế giới tháng 2 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành đêm thứ Tư, giá lúa mì Chicago sụt giảm mạnh gần 10% trong phiên hôm qua, về mức 1.087 cents/giạ. Bộ Nông nghiệp Mỹ bất ngờ nâng dự báo tồn kho lúa mì Mỹ 21/22 lên mức 17,77 triệu tấn, trái chiều với dự đoán giảm trước đó của thị trường do xuất khẩu giảm, khiến cho lực bán gia tăng mạnh.

Trong khi đó, mặc dù đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được kết quả khả quan nhưng lo ngại của thị trường về tình trạng căng thẳng ở khu vực này không còn trầm trọng như trước. Điều này cũng góp phần giảm bớt nhu cầu đầu cơ quá mức với mặt hàng này và thúc đẩy tâm lý chốt lời khi giá cũng đã tăng quá cao trong giai đoạn trước đó.

nông sản.jpg -0

Trái với lúa mì, ngô tăng mạnh hơn 3% lên mức 755,75 cents/giạ. Đây là một trong những phiên hiếm hoi giá ngô có mức tăng lớn nhất nhóm nông sản. Bán hàng ngô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 3/3 đạt 2,14 triệu tấn, là mức cao nhất kể từ đầu niên vụ (1/9/2020) đến nay, do người mua thế giới tìm kiếm nguồn cung thay thế cho sự gián đoạn từ Ukraine.

Tương tự như ngô, bán hàng đậu tương, khô đậu và dầu đậu Mỹ cũng tăng mạnh trong tuần vừa rồi. Đặc biệt là lũy kế bán hàng khô đậu từ đầu niên vụ đã đạt 8,64 triệu tấn, lần đầu tiên vượt lên mức cùng kỳ năm ngoái, qua đó giúp cho mặt hàng này tăng mạnh gần 2% trong phiên hôm qua và đóng cửa ở mức 483,7 USD/tấn Mỹ, cao nhất kể từ tháng 5/2014 đến nay.

Mặc dù chịu áp lực trái chiều với khô đậu, cùng ảnh hưởng tiêu cực từ mức giảm hơn 2% của giá dầu thô, nhưng trong bối cảnh nguồn cung dầu thực vật eo hẹp, giá dầu đậu tương vẫn giữ được mức tăng nhẹ 0,7% lên mức 74,68 cents/pound.

Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Cung ứng mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) đã cắt giảm gần 3 triệu tấn trong dự báo sản lượng đậu tương 21/22 của Brazil. Tồn kho dự kiến của nước này cũng bị giảm dự báo xuống còn 2,41 triệu tấn, đã góp phần thúc đẩy lực mua đối với đậu tương trong ngày hôm qua và giúp giá tiếp tục tiến đến vùng kháng cự tâm lý 1.700 cents/giạ.

Trên thị trường nội địa, giá heo hơi thành phẩm vẫn ổn định trên nhiều tỉnh thành, và chưa có dấu hiệu biến động mạnh như giá thức ăn chăn nuôi.

giá heo hơi.jpg -0