Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa

NDO -

Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, diễn biến khởi sắc của phần lớn các mặt hàng đã giúp chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2,4% lên mức 2.383,47 điểm. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức tăng mạnh gần 5% của nhóm năng lượng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa -0Biểu đồ MXV-Index

Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần gấp đôi so với tuần cuối cùng của tháng 12 lên mức 4.600 tỷ đồng, khi dòng tiền trở lại thị trường nhờ diễn biến tích cực của các mặt hàng.

Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa -0
Biểu đồ giá trị giao dịch.

Các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Giao dịch hàng hóa Chicago diễn biến trái chiều nhau. Giá ngô và toàn bộ nhóm đậu tương đều tăng mạnh, trong khi lúa mì và gạo thô đồng loạt suy yếu.

Lo ngại về thời tiết tiếp tục là lý do quan trọng nhất hỗ trợ giá ngô và đậu tương trong tuần vừa rồi. Thời tiết khô nóng kéo dài ở miền bắc Argentina và miền nam Brazil, khiến cho một loạt các tổ chức lớn đều đang hạ dự báo sản lượng của 2 mặt hàng này.

Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa -0
Bảng giá các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của khô đậu tương, cùng với một số đơn hàng lớn theo ngày xuất hiện trở lại, cũng giúp cho giá đậu tương tăng mạnh hơn 5% và vượt qua mức kháng cự tâm lý 1400 cents. Đây là mức đóng cửa cao nhất của đậu tương kể từ tháng 07 năm ngoái đến nay.

Giá dầu thô tăng mạnh gần 5% cùng mức tăng của đậu tương cũng tác động mạnh đến giá dầu đậu, nhưng áp lực trái chiều với khô đậu khiến cho mức tăng của mặt hàng này bị hạn chế ở mức gần 4%, lên 58,78 cents/pound.

Đối với ngô, sản lượng ethanol giảm nhẹ và các số liệu bán hàng thấp hơn dự kiến, cùng với mức giảm của lúa mì khiến cho giá chỉ tăng 2,3% lên mức 606,75 cents/giạ.

Thời tiết cải thiện ở Bắc bán cầu và thu hoạch nhanh ở Nam bán cầu khiến nguồn cung lúa mì trở nên dồi dào hơn, là yếu tố chính gây sức ép lên giá trong tuần qua, khiến lúa mì Chicago giảm 1,6% và lúa mì Kansas giảm mạnh 3,3%, bất chấp tình hình chính trị bất ổn ở Kazakhstan, quốc gia xuất khẩu lúa mì đứng thứ 8 thế giới.

Giá hai mặt hàng cà-phê biến động ngược chiều

Nhóm nguyên liệu công nghiệp kết thúc tuần trong một diễn biến phân hoá rõ rệt giữa các mặt hàng. Trong khi giá Arabica hồi phục mạnh mẽ 5,5% lên 238,5 cents/pound, giá Robusta giảm 2,3% còn 2.316 USD/tấn. Đây cũng là lần điều chỉnh đáng kể đầu tiên từ mức đỉnh 10 năm đối với giá Robusta.

Đối với mặt hàng cà phê được ưa chuộng nhất trên thế giới, Arabica, giá tiếp tục được hỗ trợ khi nguồn cung cho niên vụ năm nay ở Brazil lại đối mặt với nguy cơ thâm hụt. Thay vì hạn hán và sương giá như năm ngoái, những cơn mưa lớn ở bang Minas Gerais đang làm ngập úng các vùng trồng cà phê và có thể khiến cho sản lượng của niên vụ năm nay, vốn đã bị ảnh hưởng vì sương giá, sẽ tiếp tục bị sụt giảm. Việc giá Arabica tăng mạnh cũng kéo theo giá Robusta tăng nhẹ trong phiên cuối tuần nhưng lực bán chốt lời vẫn áp đảo nên giá vẫn kết thúc tuần trong sắc đỏ.

Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa -0
Bảng giá các mặt hàng công nghiệp. 

Giá bông tăng 2,2% lên 115,1 cents/pound. Thị trường được hỗ trợ tốt khi triển vọng nhập khẩu của Trung Quốc tích cực trở lại. Đồng Nhân dân tệ mạnh lên so với đồng USD cũng là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho thị trường bông, và thúc đẩy giá quay lại mức cao nhất trong hơn một tháng.

Trái lại, triển vọng của thị trường đường rất kém tích cực khiến cho hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm mạnh 4,4% còn 18,05 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn cũng giảm 2,3% còn 485,8 USD/tấn. Các dự báo cho thấy nguồn cung đường ở 3 nước lớn là Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc đều rất khả quan trong niên vụ tới. Bên cạnh đó, thay vì mức dự báo thâm hụt như trước đây, thị trường đường có thể ở trong trạng thái cân bằng cung cầu vào cuối niên vụ này. Đây là những tin tức gây sức ép mạnh lên giá trong thời gian vừa qua.

Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại

Giá bạc giảm hơn 4% về 22,4 USD/ounce, còn giá bạch kim đóng cửa tuần thấp hơn gần 1% về 957 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt chịu sức ép mạnh sau khi biên bản họp của FED cho thấy những quan điểm “diều hâu” thiên về các biện pháp thắt chặt của cơ quan này.

Vì thế, lực bán trên thị trường bạc và bạch kim áp đảo hẳn do triển vọng tăng trưởng của nhóm kim loại quý không còn nhiều, nên trong bối cảnh dòng tiền thoát khỏi các thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử, các mặt hàng kim loại quý cũng không được hưởng lợi. Mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng tăng gần 17% lên 1,77% nên đây cũng sẽ là một sản phẩm đầu tư rất cạnh tranh đối với các mặt hàng trú ẩn an toàn như bạc và bạch kim.

Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa -0
Bảng giá các mặt hàng kim loại. 

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá quặng sắt và giá đồng tiếp tục diễn biến trái chiều. Sự thiếu ổn định của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung đã gây sức ép và làm cho giá đồng giảm 1,2% còn 4,41 USD/pound, trong khi giá quặng sắt tăng gần 5% lên 126,8 USD/tấn. Sự khác biệt này xuất phát từ việc giá quặng sắt đang phục hồi từ mức đáy, còn giá đồng vẫn đang giằng co trong mức giá khá cao của năm 2021.

Nhóm năng lượng đồng loạt tăng giá mạnh

Mở đầu năm mới, dầu thô kéo dài đà tăng tuần thứ 3 liên tiếp, với giá dầu thô WTI tăng 4,91% lên 78,9 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent tăng 4,89% lên 81,75 USD/thùng. Giá khí tự nhiên tăng gần 5% lên 3,916 USD/MMBTu khi các đợt lạnh tại phía bắc khiến nhu cầu tăng đột ngột trong khi sản xuất gặp khó khăn. 

Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa -0
Bảng giá các mặt hàng năng lượng. 

Tuần vừa rồi, giá dầu đi lên liên tiếp 4 trong 5 phiên, chính thức vượt qua mức giá trước khi biến thể Omicron xuất hiện. So sánh với các thị trường tài chính khác như chứng khoán Mỹ, thị trường dầu mở đầu năm mới với động lực tăng mạnh mẽ. Các chỉ số di chuyển liên tục chỉ ra lượng người tham gia giao thông tại Mỹ và các nước châu Âu như Anh, Pháp liên tục tăng trong tháng 12 bất chấp các hạn chế di chuyển chính phủ thiết lập và khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu duy trì ở mức tốt.

Trong khi đó, nguồn cung liên tục bị thắt chặt. Bất chấp quyết định gia tăng sản lượng trong cuộc họp chính sách mỗi tháng, công suất thực tế của OPEC+ liên tục thấp hơn so với hạn ngạch. Trong khi đó, tình hình bất khả kháng diễn ra tại Libya khiến cho sản lượng dầu thô nước này giảm 400-500 nghìn thùng/ngày, lớn hơn cả mức tăng sản lượng thực tế của các nước trong OPEC+. Các bất ổn tại Kazakhstan, đồng minh lớn thứ 2 trong nhóm cũng đẩy lo ngại về gián đoạn nguồn cung lên cao

Trong tuần này, nhà đầu tư cần chú ý đến các thông tin quan trọng như báo cáo Triển vọng Thị trường dầu ngắn hạn của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) và Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới tháng 1 cùng báo cáo tồn kho ngũ cốc của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Giá các mặt hàng nông sản và năng lượng thường sẽ có biến động lớn sau các báo cáo này.

Giá dầu thô tăng gần 5%, dẫn dắt đà tăng của thị trường hàng hóa -0