Xét nghiệm kháng thể sau tiêm vaccine: Có thật sự cần thiết?

NDO -

Xét nghiệm kháng thể sau tiêm vaccine để biết cơ thể có được bảo vệ bởi vaccine hay không đang được nhiều người quan tâm. Nhưng các chuyên gia cho rằng, kết quả xét nghiệm kháng thể không có giá trị cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch hoặc so sánh hiệu lực bảo vệ của các loại vaccine.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Hiểu đúng về xét nghiệm kháng thể 

Theo BSCK1 Vũ Thanh Tuấn, chuyên Khoa Hô hấp, Bệnh viện Medlatec, xét nghiệm kháng thể là xét nghiệm huyết thanh nhằm xác định một người đã có kháng thể chống lại virus hay không. Trong khi đó, kháng thể này được sản sinh sau một thời gian người bệnh mắc Covid-19 hoặc đã được tiêm đủ vaccine phòng virus SARS-CoV-2.

Việc xét nghiệm nhanh để tìm kháng thể chỉ được sử dụng trong hai hoàn cảnh. Thứ nhất là theo dõi kết quả điều trị ở những người nhiễm SARS-CoV-2. Việc đánh giá lượng kháng thể của bệnh nhân rất quan trọng để bác sĩ điều chỉnh thuốc, thay đổi phác đồ điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, xét nghiệm nhanh nhằm điều tra dịch tễ học trong cộng đồng. Mục đích là kiểm tra người dân vùng đó có bị nhiễm virus trước đây không.

Hiện nay, có nhiều cơ sở y tế quảng cáo rầm rộ về việc triển khai dịch vụ về test nhanh kháng thể, ThS, BS Nguyễn Hiền Minh, giảng viên bộ môn Miễn dịch Sinh lý - Sinh lý bệnh, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch vụ xét nghiệm kháng thể hiện nay trên thị trường không có giá trị cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch hoặc so sánh hiệu lực bảo vệ của các loại vaccine.

Xét nghiệm kháng thể sau tiêm vaccine: Có thật sự cần thiết? -0
 ThS, BS Nguyễn Hiền Minh, giảng viên bộ môn Miễn dịch Sinh lý - Sinh lý bệnh, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Hiền Minh phân tích, các xét nghiệm kháng thể liên quan đến virus SARS-CoV-2 được các nhà nghiên cứu quan tâm bao gồm: Xét nghiệm kháng thể định lượng hoặc định tính kháng thể gắn kết kháng nguyên (S) và/hoặc kháng nguyên (N) và xét nghiệm đánh giá kháng thể trung hoà để xem xét khả năng vô hiệu hoá virus sống.

Trên thị trường xét nghiệm dịch vụ hiện nay phần lớn đều tập trung định lượng kháng thể IgG chống kháng nguyên (S). Đây là xét nghiệm định tính của phản ứng gắn kết kháng nguyên - kháng thể, cho kết quả nhanh nhưng chúng không cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch hoặc hiệu quả bảo vệ thế nào.

Trong khi đó, đối với loại xét nghiệm kháng thể trung hòa (viết tắt Nabs) có độ nhạy cao, chưa được phổ biến, hiện chỉ dùng trong nghiên cứu sản xuất phê duyệt vaccine, theo dõi sau cấp phép vaccine phòng Covid-19 hoặc nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị bệnh.

"Không phải phòng xét nghiệm dịch vụ nào cũng có đủ năng lực chuyên môn và máy móc thực hiện đủ các dạng xét nghiệm kháng thể như trên", bác sĩ Hiền Minh cho biết. 

Vì vậy, chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay chưa phải là lúc để có thể chắc chắn về mối tương quan của mức đáp ứng kháng thể với sinh miễn dịch của cơ thể với bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, xét nghiệm đơn thuần định lượng nồng độ kháng thể chống lại kháng nguyên (S) hay (N) của virus SARS-CoV-2 chỉ đại diện cho một khía cạnh của phản ứng miễn dịch phức tạp.

Không nên ồ ạt đi test nhanh kháng thể

TS, BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía bắc cho biết, hiện nay chưa có xác định chuẩn trong xét nghiệm kháng thể về nồng độ nào được coi là ngưỡng bảo vệ. Đồng thời, cần phải có một xét nghiệm cao cấp hơn đánh giá kháng thể trung hòa mới phần nào đánh giá được khả năng bảo vệ khi phơi nhiễm với mầm bệnh.

Đặc biệt, mỗi loại vaccine có thể giúp tạo ra lượng kháng thể khác nhau, nhưng ngoài kích thích sinh kháng thể thì vaccine còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào, do đó kháng thể cao chưa chắc đã tốt hơn và ngược lại.

Có khoảng 50% người nhiễm SARS-CoV-2 không có kháng thể, hoặc không định lượng được kháng thể, nhưng người đó không nhiễm bệnh tiếp trong những lần phơi nhiễm tiếp theo.

Xét nghiệm kháng thể sau tiêm vaccine: Có thật sự cần thiết? -0
Sau tiêm vaccine, người dân vẫn cần phải tuân thủ quy tắc 5K để bảo vệ cho mình và cộng đồng. 

Có người có nồng độ kháng thể cao vẫn bị nhiễm, có người kháng thể ở mức độ thấp lại không bị nhiễm. Do đó phải căn cứ nguy cơ nhiễm với tùy trường hợp người này có tiếp xúc người đào thải virus mạnh không, có yếu tố khác dẫn tới yếu tố nhiễm hay không.

Vì thế, nếu xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng một người đã được bảo vệ là chưa đủ căn cứ khoa học. 

TS, BS Phạm Quang Thái cho biết, không một quốc gia nào đề xuất xét nghiệm kháng thể khi triển khai tiêm vaccine diện rộng, mà chỉ làm để phục vụ trong công tác nghiên cứu và điều trị để đưa ra chiến lược toàn diện hơn.

Bộ Y tế Việt Nam hiện chưa có quy định nào về việc sử dụng xét nghiệm kháng thể để xác định một người tiêm vaccine Covid-19 được bảo vệ, miễn dịch với nCoV hay chưa. Việt Nam mới chỉ có xét nghiệm định lượng kháng thể virus SARS-CoV-2 cho công tác điều trị và nghiên cứu cộng đồng. 

Vì thế, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ quy định 5K để bảo vệ cho mình khi dịch vẫn diễn biến phức tạp. Không nên tin vào những lời quảng cáo test kháng thể và mất chi phí cho việc test này vì có thể sẽ hiểu sai về xét nghiệm kháng thể, đưa ra kết luận không đúng về hiệu quả vaccine, coi thường các biện pháp phòng ngừa.

Chiến dịch tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả cho toàn dân