Xây dựng phần mềm hỗ trợ thầy thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19

NDO -

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, trong đợt dịch này, biến chủng Ấn Độ lây lan mạnh, hơn 80% bệnh nhân ít có triệu chứng. Ngành y tế đang xây dựng phần mềm AI để hỗ trợ các bác sĩ trong phát hiện sớm ca F0, điều trị hiệu quả bệnh nhân Covid-19. 

Xây dựng phần mềm hỗ trợ thầy thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19

Ông Khuê nhận định các bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh, nhiều trường hợp trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn là điều rất khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị.

Đặc biệt, tỷ lệ lây nhanh của virus biến chủng làm cá thể người bệnh có những diễn biến khó lường. Có người hai lần xét nghiệm âm tính nhưng lần thứ 3 dương tính, nghĩa là thời gian ủ bệnh, lây truyền có lúc rất nhanh, có lúc rất khó đoán. Vì thế việc cách ly, theo dõi, quản lý tại khu cách ly rất quan trọng. Tỷ lệ F1 thành F0 rất nhiều là thực tế đang diễn ra trong đợt dịch này. Do đó, phải có bộ cảnh báo cho các thầy thuốc. 

Hiện Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang xây dựng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để sớm đưa vào các bệnh viện sàng lọc các trường hợp F1, nhằm phát hiện sớm các trường hợp F1 có nguy cơ cao chuyển thành F0 và các trường hợp có biểu hiện để sàng lọc sớm, nhanh. Đây là công cụ hữu hiệu phát hiện sớm trường hợp F0.

“Phần mềm được xây dựng có khoảng 5-10 tiêu chí về nhịp thở, nồng độ ô-xy trong máu và một số chỉ số lâm sàng khác. Sự thay đổi của những chỉ số này là dấu hiệu cảnh báo cho bác sĩ để chuẩn bị sẵn các yếu tố ô-xy, máy thở, các phương tiện cấp cứu”, ông Khuê thông tin. 

Từ kinh nghiệm triển khai biện pháp này trên thế giới và từ kinh nghiệm qua các đợt điều trị của Việt Nam, Cục sẽ cập nhật phác đồ điều trị và phương án điều trị vào phần mềm, đặc biệt phương án khám, chữa bệnh qua Telehealth để hỗ trợ cho cơ sở y tế các tuyến. Điều này phù hợp với phương châm "bốn tại chỗ" trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. 

Tiểu Ban điều trị cho biết, hiện có khoảng 80% bệnh nhân ít có triệu chứng, sốt không cao, mệt không nhiều, chưa biểu hiện triệu chứng viêm phổi. Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng các bác sĩ luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi bảo đảm cách ly an toàn, theo dõi sát sao.

Theo ông Khuê, quan trọng nhất là tập trung chủ yếu vào khoảng 20% bệnh nhân diễn biến nặng. Trong số này, có 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu, 5% chuyển thành nặng và 5% diễn biến rất nặng. Đây đều là những trường hợp dễ tử vong mà ngành y tế phải chú ý, phản ứng nhanh.

"Chiến lược triển khai phần mềm này phải có các tiêu chí giúp các thầy thuốc theo dõi. Tới đây chúng tôi sẽ đưa cả cảnh báo đỏ, nếu bệnh nhân có những thay đổi thì qua phần mềm sẽ cảnh báo cho các bác sĩ điều trị kịp thời xử lý. Nhóm các giáo sư đầu ngành sẽ kết nối ở Trung tâm để sẵn sàng tư vấn cho các bệnh viện dã chiến và các trung tâm hồi sức cấp cứu", ông Khuê nói. 

Đánh giá về mức độ bệnh của các ca Covid-19 trong đợt dịch này, ông Khuê cho biết, tỷ lệ bệnh nhân nặng gần như ít thay đổi so với đợt dịch trước. Ngoài trường hợp có sự thay đổi là ghi nhận một trường hợp bệnh nhân trẻ, bệnh nền không rõ, diễn biến viêm phổi nhanh dẫn tới tử vong thì hầu hết ca tử vong đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. 

"Trong vòng nửa tháng, có 2.000 bệnh nhân mà chỉ có năm bệnh nhân tử vong là những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền... Như vậy, chúng ta đang làm chủ được tình hình", ông Khuê nói.

Ông Khuê nhấn mạnh, với những diễn biến tại Bắc Giang vừa qua, việc tăng bệnh nhân đột biến là điều ngành y tế phải cảnh giác, tập trung trí tuệ và các biện pháp, cố gắng giảm tối thiểu ca nặng, nhất là tỷ lệ tử vong. 

Trong đêm qua, 13 thành viên Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tức tốc lên đường tới tuyến đầu nóng bỏng này, để “chia lửa” cùng các đồng nghiệp ở Bắc Giang với quyết tâm dập dịch, sớm mang lại không gian bình yên cho cộng đồng.

BSCKII Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, BV Chợ Rẫy cho biết, hiện nay tại Bắc Giang, số ca bệnh Covid-19 đang tiếp tục gia tăng, đã có những trường hợp tử vong điển hình là bệnh nhân 38 tuổi dù trước đó không có bệnh nền. 

Các chuỗi lây nhiễm tại đây được xác định do các biến thể Ấn Độ, Anh với khả năng lây lan rất nhanh, mức độ tổn thương phổi rất cao, diễn tiến bệnh khó lường. Do đó, dù huy động tổng lực lượng, nhưng lúc nào cũng cảm giác không đủ. Để hỗ trợ Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-29, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng chung tay với cả nước, chi viện lực lượng đến “chia lửa” với đội ngũ nhân viên y tế nơi tuyến đầu.

Với lực lượng tinh nhuệ nhất gồm 13 thành viên, trong đó có sáu bác sĩ, bảy điều dưỡng, kỹ thuật viên đến Bắc Giang, ê-kíp các bác sĩ đã dự trù các tình huống có thể xảy ra khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19: Phải cấp cứu, lọc máu, chạy ECMO, kiểm soát bằng máy thở, sử dụng hệ thống siêu âm, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu…

Bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ: “Chúng tôi luôn trong tâm thế chủ động trước khi có lệnh điều động. Sau khi nhận lệnh, chúng tôi sẵn sàng lên đường đến với Bắc Giang. Chúng tôi sẽ phụ trách về mặt chuyên môn, cùng với các BV Bạch Mai, BV Phổi Trung ương, BV Đại học Y Hà Nội... hỗ trợ về mặt hồi sức, điều trị, các công tác chăm sóc điều dưỡng cho bệnh nhân Covid-19. Mục tiêu là làm thế nào để có thể xử lý nhanh nhất những trường hợp bệnh nặng, giúp bệnh nhân sớm hồi phục, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong...

Biến thể virus hiện nay diễn tiến khá phức tạp, với kinh nghiệm từ các đợt chống dịch, về chuyên môn, phân luồng chống lây nhiễm chéo, chúng tôi hy vọng cùng chung tay với các lực lượng chống dịch ở Bắc Giang; cố gắng điều trị nhiều bệnh nhân nhất, hạn chế tối đa tử vong, sớm dập tắt dịch".

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan