Việt Nam sớm triển khai kỹ thuật ghép tế bào điều trị bệnh bạch biến

NDO -

NDĐT – Sớm nhất là cuối năm 2019, đầu năm 2020, Việt Nam có thể triển khai kỹ thuật ghép tế bào trong điều trị bạch biến. Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị Bạch biến quốc tế 2019 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội trong sáng nay, 24-6.

Việt Nam sớm triển khai kỹ thuật ghép tế bào điều trị bệnh bạch biến

Trong khoảng một triệu người mắc bạch biến, có gần 90% bệnh nhân bạch biến xấu hổ, thiếu tự tin; 34% mắc trầm cảm; 60% cảm thấy lo lắng về bệnh và 56% bệnh nhân bị ảnh hưởng các mối quan hệ chung quanh, đặc biệt là ở người trẻ.

PGS,TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, theo nghiên cứu tại viện từ từ năm 2015 - 2018 cho thấy, số lượng bệnh nhân bạch biến đến khám tăng dần đều từng năm. Đến năm 2018, có gần 3.000 bệnh nhân, chiếm hơn 1% tỷ lệ bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện da liễu Trung ương. Hơn 50% trong số đó từ 12-40 tuổi, có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân dưới 2 tuổi và trên 65 tuổi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.

Hiện Bệnh viện Da liễu Trung ương đã và đang áp dụng bốn phương pháp điều trị bạch biến, gồm: Thuốc, laser, liệu pháp ánh sáng và phẫu thuật (ghép da và ghép tế bào).

Hưởng ứng ngày Bạch biến thế giới năm nay với chủ đề Vì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bạch biến, Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề bạch biến và các bệnh da tăng sắc tố vào ngày 24 và 25-6, với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực da liễu trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị sẽ có sự tham gia của GS Davinder Parsad đến từ Italia. Ông sẽ trình bày demo phẫu thuật ghép tế bào trong điều trị bạch biến. Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất đang được áp dụng trên thế giới. Theo đó, GS Parsad sẽ trình bày và hướng dẫn về ghép tế bào hắc tố không qua nuôi cấy, một cải tiến của kỹ thuật ghép da. Hai bệnh nhân được áp dụng đầu tiên là đều là nữ giới, một người 19 tuổi và một người 35 tuổi.

Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ lấy một miếng da từ vùng hông của bệnh nhân, sau đó đưa vào dung dịch để tách tế bào và ghép lại và vùng da bạch biến của bệnh nhân. Kỹ thuật này có hai phương pháp ghép chính là ghép không qua nuôi cấy (sau khi chiết tách tế bào thì ghép luôn vào vùng da giới hạn nhỏ) và ghép qua nuôi cấy (nuôi tế bào phát triển nhiều lên để ghép diện rông).

BS Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đối tượng người bệnh có thể thực hiện kỹ thuật này là những bệnh nhân bạch biến phải tiến triển ổn định. Theo đó, trong một năm, bệnh nhân bạch biến không xuất hiện vết bạch biến mới, tổn thương cũ không lan rộng ra, không có hiện tượng bạch biến xuất hiện ở vùng sang chấn. Cùng đó, bệnh nhân không có tiền sử sẹo lồi sau chấn thương.

PGS, TS Nguyễn Văn Thường cho biết, phương pháp ghép tế bào cần phải có thời gian chuyển giao công nghệ, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực… Bệnh viện đang chuẩn bị tất cả những điều kiện cần thiết để đưa phương pháp này vào ứng dụng thực tế vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Đây được coi là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay, mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân bạch biến tại Việt Nam.