Vào ổ dịch sốt xuất huyết vùng sâu

NDO -

NDĐT- Trên địa bàn tỉnh Đác Nông xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó lớn nhất tại xã vùng sâu Quảng Sơn, huyện Đác Glong. Tại đây, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng trăm người mắc bệnh. Ghi nhận của phóng viên trên đường vào ổ dịch cùng các nhân viên y tế địa phương.

Cháu Đặng Thị Phương, hai tuổi, ở thôn 4, xã Quảng Sơn bị SXH đang nằm theo dõi tại Trạm y tế xã.
Cháu Đặng Thị Phương, hai tuổi, ở thôn 4, xã Quảng Sơn bị SXH đang nằm theo dõi tại Trạm y tế xã.

Bùng phát dịch

Trước khi vào xã Quảng Sơn, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để nắm thông tin, nhưng lãnh đạo Trung tâm đều trả lời “bận họp và tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) ở đó không có gì đáng lo lắng”.

Trên quãng đường dài 30 km từ thị xã Gia Nghĩa vào xã Quảng Sơn, chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân SXH được người thân chở bằng xe máy ra Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đường trơn, dốc cao, nhiều đoạn xe chạy ì ạch, cần phải có người đẩy mới qua được.

Tới xã Quảng Sơn, trời đã xế chiều nhưng vẫn mưa to. Trụ sở UBND xã cửa vẫn đóng im ỉm. Trạm y tế xã lúc này có sáu bệnh nhân SXH đang nằm điều trị.

Cháu Đặng Thị Phương, hai tuổi ở thôn 4, xã Quảng Sơn được gia đình đưa vào lúc 12 giờ trưa được chẩn đoán bị SXH đang la khóc. Anh Đặng Nhất, ba cháu Phương cho biết: “Trưa nay đi làm rẫy về, thấy nhiệt độ cháu Phương tăng cao, người nổi đầy mẩn đỏ. Hai vợ chồng chưa kịp ăn cơm vội đưa con ra trạm y tế xã, được các cán bộ y tế khám, xét nghiệm máu phát hiện bị bệnh SXH nên phải nằm lại theo dõi”.

“Chưa thấy năm nào dịch SXH bùng phát mạnh như năm nay. Trạm y tế xã chưa có bác sĩ, các trang thiết bị khám, chữa bệnh, thuốc men còn thiếu… khiến người dân hết sức lo lắng”, anh Nhất bộc bạch.

Nằm bên cạnh giường cháu Phương là hai vợ chồng anh Y Krắc, SN 1970 và vợ là H’Yung, SN 1973 ở buôn R’lông Phe, xã Quảng Sơn. Anh Y Krắc cho biết: “Gia đình tôi có đến ba người mắc bệnh SXH. Vợ chồng nằm ở trạm y tế xã, con trai lớn là Y Uyn, 16 tuổi đã được đưa ra Bệnh viện đa khoa tỉnh hai ngày rồi, chưa biết thế nào…”. Chị H’Yung xen vào: “Đây là lần đầu tiên cả hai vợ chồng và đứa con lớn bị SXH cùng một lúc, ở nhà còn hai cháu nhỏ không ai chăm sóc. ”

Đang dở chuyện, anh Bàn Văn Hải, thôn 4 được đưa vào trạm y tế. Anh Hải cho biết: “Đi làm tôi ngủ lại luôn ngoài rẫy, không có màn, bị muỗi đốt. Trưa nay, thấy nhiệt độ trong người tăng cao, người mệt lả, sốt nên tôi điện thoại cho người nhà vào rẫy chở đến trạm y tế để khám”. Qua chẩn đoán và kết qủa xét nghiệm máu, cán bộ của trạm y tế khẳng định anh Hải bị mắc SXH nặng, nếu gia đình chủ quan có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Vừa lúc, điều dưỡng Y Khôi H’Đớt, Phó trưởng trạm y tế xã Quảng Sơn (chưa có trạm trưởng) đi tuyên truyền phòng chống SXH ở thôn, buôn trở về, người ướt sũng. Y Khôi H’Đớt lo lắng: Đầu tháng 5, toàn xã mới xuất hiện một ổ dịch tại thôn 3A, nay đã lây lan tới 7/13 thôn, buôn. Đến ngày 24-7, toàn xã đã có 280 người mắc bệnh SXH, bùng phát mạnh nhất là trong tháng 6 với 188 người mắc bệnh.

Toàn xã có 13 thôn, buôn, thôn xa nhất nằm cách trung tâm xã tới 30 km, có 2.761 hộ, 11.252 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số , phần lớn sinh sống bằng nghề trồng lúa, làm nông, đốt rừng làm nương rẫy. Các gia đình đều chưa có nhà cầu, buồng tắm hợp vệ sinh mà chỉ vây tạm tấm nylon để tắm rửa… nên nước sinh hoạt, cộng với phân gia súc từ vườn nhà này chảy sang vườn nhà khác làm ô nhiễm môi trường và đây cũng là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sôi nảy nở.

Do nước sinh hoạt còn khó khăn nên phần lớn đồng bào dân tộc trong xã vẫn còn thói quen dùng các dụng cụ như thùng, thau, ché… để hứng nước mưa. Y Khôi H’Đớt cho biết: “Thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ về cấp nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong xã mỗi hộ được cấp một thùng đựng nước sinh hoạt. Tuy nhiên, các thùng này không có van xả nên người dân cứ để nguồn nước ứ đọng từ tháng này qua tháng khác, làm phát sinh muỗi. Khi phát hiện ra việc này, trong những ngày qua tôi cùng với nhân viên y tế của trạm đã đến từng nhà khoan được 73 thùng như vậy, nhưng toàn xã hiện nay có số thùng rất lớn, không thể khoan hết được”…

Nỗ lực dập dịch

Dẫn chúng tôi thị sát ổ dịch tại thôn thôn 3A, 1B, anh Y Khôi H’Đớt cho biết: Ngay sau khi dịch SXH bùng phát, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ (Sở Y tế) và Trung tâm y tế huyện Đác Glong tổ chức các đoàn y, bác sĩ về giúp xã phòng, chống, dập dịch.

Chị H’Ríp, buôn R’lông Phe, xã Quảng Sơn chia sẻ: “Tham gia các buổi họp dân, nghe cán bộ y tế tuyên truyền đã giúp mình hiểu hơn về dịch bệnh. Về nhà mình huy động chồng, con và bà con trong buôn thu dọn vệ sinh nhà cửa, diệt muỗi, bọ gậy”.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm y tế huyện Đác Glong đã tổ chức được hai lớp tập huấn về các kiến thức cơ bản về bệnh SXH, tổ chức ba lần phun thuốc hóa chất diệt muỗi, bọ gậy tại thôn 1A, thôn 2, thôn 3B, thôn Quảng Hợp; tổ chức tuyên truyền khơi thông cống rãnh, thu gom dụng cụ phế thải, giải phóng ao tù nước đọng…

UBND huyện Đác Glong đã hỗ trợ 14 triệu đồng để mua thuốc. Trung tâm y tế huyện đã cử hai bác sỹ và một kỹ thuật viên xét nghiệm về tăng cường cho trạm y tế xã Quảng Sơn.

Dù lo lắng về tỷ lệ mắc bệnh khá cao, nhưng đáng mừng là đến giờ này ở xã Quảng Sơn chưa có trường hợp nào tử vong do SXH.

Vào ổ dịch sốt xuất huyết vùng sâu ảnh 1

Hai vợ chồng anh Y Krắc ở buôn R’lông Phe, xã Quảng Sơn đều mắc bệnh sốt xuất huyết.

Vào ổ dịch sốt xuất huyết vùng sâu ảnh 2

Thói quen chăn nuôi gia súc thả rông, gây ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết ở Quảng Sơn bùng phát.