Vaccine phòng Covid-19, tấm lá chắn bảo vệ bản thân và cộng đồng

NDO -

Lo lắng là tâm lý chung của bất kỳ người nào khi tiếp cận mũi tiêm vaccine đầu tiên phòng Covid-19. Nhưng những e dè, nghi ngại ban đầu ấy đã dần nhường chỗ cho niềm tin của rất nhiều người đã có vaccine bảo vệ. Giờ đây, không ít người bày tỏ “Tôi chỉ mong được tiêm vaccine phòng Covid-19, dù bất kể là vaccine nào”.

Vaccine phòng Covid-19, tấm lá chắn bảo vệ bản thân và cộng đồng

“Tôi đã lo lắng thừa khi chần chừ tiêm vaccine”

Tháng 3/2021, những mũi tiêm vaccine đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Là đối tượng nằm trong nhóm ưu tiên, chị Hoàng Thị Oanh cũng nghiên cứu rất nhiều thông tin trước khi quyết định sẽ là những người đầu tiên tại cơ quan mình đi tiêm vaccine.

Tuy nhiên, không vượt qua được cửa ải ban đầu vì thời điểm sàng lọc vì bị huyết áp thấp, chị Oanh bị từ chối cơ hội đầu tiên.

Lúc đó, Việt Nam đã có ca tử vong đầu tiên liên quan đến vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam. Đó cũng là thời điểm, nhiều nước trên thế giới bắt đầu tạm ngừng tiêm loại vaccine được sử dụng tại Việt Nam vì có những trường hợp tử vong do đông máu sau tiêm nên chị Oanh chùn bước.

Thế nhưng khi nhìn thấy sự khủng hoảng ở nhiều nước trên thế giới khi người dân chưa được tiêm vaccine, chị Oanh nghĩ “tại sao mình lại từ chối cơ hội tuyệt vời trong khi hàng triệu người đang mong được tiếp cận vaccine”, chị Oanh đã vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi, chuẩn bị một sức khỏe thật tốt để hoàn thành mũi tiêm đầu tiên. “Tôi không sốt và không có chút phản ứng phụ nào. Trước đó mình lo lắng hơi thừa”, chị Oanh nói.

Đầu tháng 5, hàng trăm cán bộ công nhân viên cơ quan chị Nguyễn Thị Lan được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Cũng nghe nhiều thông tin về phản ứng phụ như đau cơ, mệt mỏi, thậm chí có người tụt huyết áp, sốt kéo dài triền miên, và đã có người phải nằm viện vì sốc phản vệ, chị Lan rất hoang mang.

Vốn có tiền sử bị dị ứng thuốc nên cẩn thận hơn, chị đã đi test dị ứng. 3 ngày đấu tranh tâm lý, chị quyết định là người thuộc nhóm cuối cùng của cơ quan đi tiêm. "Lúc đó một đồng nghiệp của tôi sốc ngay tại chỗ và phải nằm viện 2 ngày, tôi thật sự choáng. Nhưng tôi vẫn quyết định tiêm vì đã test thuốc và tôi tin vào đội ngũ bác sĩ nơi tôi tiêm chủng".

Mất 3 ngày sốt, đau mỏi rã rời cơ thể, không thể gượng dậy để tự phục vụ bản thân, chị Lan đã vượt qua những ngày trải nghiệm tiêm vaccine đáng nhớ hơn so với nhiều đồng nghiệp. 

Niềm tin vào vaccine được trao đi từ những trải nghiệm thực tế -0
 

Là người dân sống trong vùng dịch tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh những ngày tháng 6 nóng bỏng nhất của diễn biến dịch, anh Nguyễn Trọng Hải cùng gia đình đã được tiêm vaccine để tăng miễn dịch cộng đồng tại đây.

Anh Hải kể, bà nội anh 65 tuổi cũng đã được phát phiếu đi tiêm. “Cả gia đình ban đầu cũng vô cùng lo lắng vì bà cao tuổi và có bệnh lý nền. Nhưng trước tình hình dịch quá căng thẳng, nguy cơ lây nhiễm có thể gặp bất kỳ lúc nào. Lúc này, tiêm hay không tiêm nguy cơ cũng như nhau nên gia đình quyết định cho bà tiêm. Trường hợp của bà được tiêm ở Bệnh viện đa khoa tỉnh nên cả nhà rất yên tâm”, anh Hải nói.

Chị gái của anh Hải – Nguyễn Liên Hoa hiện đang sống ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, do mình không thuộc đối tượng ưu tiên, không sống trong vùng dịch nên đến nay, chị cũng không biết khi nào mình mới được tiêm vaccine.

“Cả nhà tại Bắc Ninh đã được tiêm vaccine, thấy yên tâm hơn rất nhiều vì được vaccine bảo vệ. Tôi cũng đã đăng ký tiêm online qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Hy vọng là không lâu nữa sẽ tới lượt tôi”, chị Nguyễn Liên Hoa nói.

Cũng “nóng lòng” mong ngóng được tiêm vaccine phòng bệnh, bà Triệu Thị Dương (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, bà đã nhờ con trai đăng ký tiêm chủng trên mạng. “Năm nay tôi đã 65 tuổi, cũng lo lắng. Nhưng tôi đã tìm hiểu và thấy mình là đối tượng thuộc diện ưu tiên được tiêm. Giờ không phải chen chúc đi đăng ký mà chỉ cần đăng ký online nên tôi đã đăng ký xong từ tuần trước. Giờ chỉ chờ tới lượt được gọi đi tiêm. Tiêm thế này mình vừa bảo vệ bản thân, vừa bảo vệ được con cháu trong nhà”, bà Dương kể.

Cũng giống bà Dương hay chị Hoa, hiện nay rất nhiều người đã đăng ký tiêm online và mong chờ sớm tới lượt được tiêm. Từ câu chuyện đi tiêm của người thân, của đồng nghiệp, của hàng triệu mũi tiêm an toàn, những nghi ngại ban đầu về tác dụng phụ của vaccine, những lo lắng về vaccine không đủ khả năng bảo vệ trước biến thể Delta đã không còn lung lay tâm lý người dân nữa. “Giờ tôi chỉ mong được tiêm vaccine, dù bất kể là loại vaccine nào”, nhiều người bày tỏ.

Hãy đăng ký online từ hôm nay để chờ tới lượt tiêm vaccine

Tính đến sáng 22/7, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng được 4.367.939 liều vaccine (chiếm 4,4% dân số Việt Nam). Trong đó, số người được tiêm 1 mũi là 4.042.984 người (chiếm 4,1% dân số) và số người đã tiêm đủ 2 mũi là 324.955 người (chiếm 0,3% dân số).

Theo một chuyên gia dịch tễ, bất kỳ vaccine nào cũng có tác dụng phụ như nhau và có hiệu lực bảo vệ tương đương nhau. Vì thế, mọi người không nên có tâm lý chờ đợi được tiêm vaccine nào mà chỉ cần chờ tới lượt được đi tiêm trong tình trạng sức khỏe tốt nhất.

Trong quý 3, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý 4 là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam. Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Đến nay, dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine sẽ tiến hành trên 63 tỉnh, thành phố với 19.500 điểm tiêm chủng. Một trong những điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cả quy trình tiêm chủng; trong đó có đưa vào các ứng dụng đăng ký tiêm chủng online.

Niềm tin vào vaccine được trao đi từ những trải nghiệm thực tế -0
Nhiều người đã thực hiện đăng ký kiêm chủng online.

Theo Bộ Y tế, các đối tượng tiêm chủng sẽ được sàng lọc cẩn thận, chia theo từng nhóm đối tượng về từng cơ sở để tiêm chủng, bảo đảm an toàn đến từng mũi tiêm. Vì thế, người dân hãy đăng ký tiêm chủng online để cơ quan quản lý sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Về việc xếp lịch tiêm, tiêm chủng vaccine Covid-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch tiêm đã sắp xếp. Các cơ sở tiêm chủng trên các địa bàn sẽ căn cứ vào thông tin người dân đã đăng ký để xác nhận lịch tiêm chủng; phân loại các đối tượng ưu tiên ngay trên hệ thống.

Với những quan tâm đặc biệt cho vấn đề sàng lọc, bảo đảm an toàn vận chuyển vaccine, quan tâm công tác cấp cứu, hồi sức, Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm mũi vaccine nào, an toàn mũi tiêm ấy. 

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, người dân có 2 hình thức đăng ký tiêm vaccine Covid-19:

Cách 1: truy cập Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 tại đường link https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person để đăng ký trực tiếp trên website

Cách 2: đăng ký bằng cách tải ứng dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử qua link: https://hssk.kcb.vn/#/sskdt về điện thoại, phù hợp với hệ điều hành Android và iOS.

Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine và đăng ký.

Chiến dịch tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả cho toàn dân