Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% dân số là thành công lớn

NDO -

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến hết năm 2020 đạt 90,85% là một thành công lớn. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng độ bao phủ cần chú trọng nâng cao chất lượng, và đặc biệt cần có chính sách dài hạn.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ ngày 22/10. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ ngày 22/10. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Mở rộng độ bao phủ nhưng đồng thời phải nâng cao chất lượng

Liên quan chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, tại phiên thảo luận ở Tổ chiều 22/10, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình dẫn câu chuyện cho biết: “Trước đây, người ta không mua thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau đến bệnh viện rất đáng lo ngại. Trong khi với thẻ bảo hiểm y tế có người được chi trả hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Hay như mới đây, sản phụ mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh được chi trả hơn 2 tỷ. Khi người ta nhận thức được không có thẻ bảo hiểm y tế thì rủi ro nó rơi vào mình, gia đình mình, có thể sau một trận ốm đau là khánh kiệt, thì đồng thuận rất cao”.

Theo đại biểu Quốc hội Trương Thị Mai, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến cuối năm 2020 đạt 90,85% là một thành công rất lớn. Nhấn mạnh chính sách bảo hiểm là một chính sách quan trọng rất nhân văn nhằm chia sẻ rủi ro xã hội, đại biểu Trương Thị Mai cũng lưu ý bên cạnh việc mở rộng độ bao phủ thì đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng.

“Nếu tỷ lệ tham gia mạng lưới an sinh cao nhưng chi trả thấp thì chất lượng cũng không thỏa mãn được”, đại biểu Trương Thị Mai nhận định.

Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, đại biểu Trương Thị Mai cho rằng mặc dù dự kiến số dư quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng nhưng số liệu thu chi có chênh lệnh không đáng kể, điều này thể hiện mức độ an toàn đang ngày càng hẹp lại.

“Chuyên gia phân tích thì điều này là do mức thu, mức đóng thấp và Nhà nước hiện đang tham gia vào quá nhiều, lên tới 58%. Chỗ này phải tính toán để giảm bớt phần gánh nặng của Nhà nước. Phải có lộ trình để làm sao khi đất nước càng phát triển thì Nhà nước càng giảm bớt gánh nặng thì mới giải quyết được chất lượng của bảo hiểm y tế. Nếu tăng mức đóng lên thì Quốc hội phải bàn”, đại biểu Trương Thị Mai nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Thị Mai cho rằng Bộ Y tế phải công bố được một gói Dịch vụ y tế cơ bản đạt chuẩn và phải phù hợp với mức đóng. Cùng với đó là Giá dịch vụ cũng phải “tính đúng, tính đủ” để có Giá dịch vụ chuẩn theo lộ trình.

Đại biểu Trương Thị Mai đưa ra cảnh báo, những dịch vụ nêu trên mà không tính đúng, tính đủ giá trị sẽ dễ nảy sinh đến những vấn đề liên quan tới đạo đức của ngành Y.

“Một người bác sĩ làm phẫu thuật mà không tính đúng, tính đủ, thù lao quá bèo bọt thì người ta có nhận phong bì không? Rồi bệnh nhân được cứu có đưa phong bì không?”, đại biểu Trương Thị Mai nêu vấn đề.

Số dư lũy kế quỹ bảo hiểm y tế dự kiến gần 33.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác Quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng hơn 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% dân số là thành công lớn -0
 Quang cảnh phiên làm việc tại hội trường, ngày 22/10. Ảnh: Linh Nguyên

Về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 66 cơ sở (4%) so với năm 2019, ngoài công lập tăng 100 cơ sở (12,6%). Cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019, trong đó số lượt khám chữa bệnh nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9% nhưng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019.

Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, tổng thu quỹ bảo hiểm y tế là 110.395 tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế là 104.220 tỷ đồng. Về cân đối quỹ bảo hiểm y tế, tổng số thu quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi quỹ bảo hiểm y tế là 5.071 tỷ đồng; dự kiến số dư quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/QH13, Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó một số kết quả nổi bật như: Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt vượt 10,85% so với mức chỉ tiêu được giao (đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số); Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng qua từng năm...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 68/QH13, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu nhưng vẫn còn 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần.

Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính. Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định.

Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm kinh phí mua thẻ. Đối với nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia.

Đặc biệt từ năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại một số địa phương bị ảnh hưởng; một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.