Tổng đài nóng vì sự bình an của người bệnh, người bị nạn

NDO -

Cùng lúc, hàng chục tiếng chuông điện thoại cũng reo lên. Người điều dưỡng trực đường dây nóng vội vàng bắt máy. Ánh mắt sắt lại, anh nhanh chóng hướng dẫn người nhà nạn nhân sơ cứu, rồi điều phối xe cứu thương đến hiện trường. Cũng trong lúc đó, đội bác sĩ và lái xe tức tốc mặc đồ bảo hộ rồi lên đường. Mãi cho đến khi tiếng còi xe đã đi xa hẳn, anh mới thở phào, hai tay xoa lên thái dương để thư giãn, nhưng chưa đến 5 giây, tiếng chuông điện thoại khác lại reo lên. Đó là một ngày làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.

Tổng đài 115 từ lâu đã trở thành một trong ba số điện thoại quan trọng nhất của người dân. (Ảnh: MINH DUY)
Tổng đài 115 từ lâu đã trở thành một trong ba số điện thoại quan trọng nhất của người dân. (Ảnh: MINH DUY)

Những cuộc gọi không mong muốn

115 là số điện thoại đường dây nóng mà hầu như bất kì ai cũng nghĩ đến khi có những trường hợp cần được cấp cứu khẩn trương. Thế nhưng, không phải như mọi người vẫn thường lầm tưởng: 115 không phải là số điện thoại một bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế nào đó, mà là đường dây nóng của Trung tâm Cấp cứu 115. Đây là đơn vị có vai trò cấp cứu người bệnh tại hiện trường và trung chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện phù hợp, gần nhất và nhanh nhất. 

“115 là đơn vị cấp cứu ngoài bệnh viện, không chỉ những vấn đề liên quan đến y tế, mà cả những vấn đề liên quan đến thảm họa, tai nạn, thiên tai... 115 cũng đều có mặt. Trong quy trình cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115, bước đầu tiên sẽ là tiếp nhận cuộc gọi của các trạm y tế địa phương hoặc của bệnh nhân. Sau khi xác định được thông tin bệnh nhân, điều phối viên sẽ điều xe cứu thương đến hiện trường để cấp cứu cho bệnh nhân, sau đó chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất”, Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ.

Tổng đài nóng trung chuyển bình an -0
 Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết: "115 là đơn vị cấp cứu ngoài bệnh viện, không chỉ những vấn đề liên quan đến y tế, mà cả những vấn đề liên quan đến thảm họa, tai nạn, thiên tai..." (Ảnh: MINH DUY)

Có mặt tại phòng điều hành của Trung tâm, vừa bước đến cửa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đổ chuông của hàng chục chiếc điện thoại trên bàn. Các nhân viên nhanh chóng nhấc máy bằng câu chào quen thuộc: “Cấp cứu 115 xin nghe”. Đầu dây bên kia có thể là các nạn nhân đang gặp nạn, những người bệnh bỗng dưng chuyển biến xấu đang chờ cấp cứu hay các ca F0 cần sự hỗ trợ của các y bác sĩ. 

Sau khi hỏi thăm tình hình bệnh nhân, các nhân viên trực điện thoại sẽ hướng dẫn người nhà hoặc người đang ở bên cạnh bệnh nhân những thao tác sơ cứu nếu cần thiết. Sau đó, tổng đài sẽ dò tìm trên hệ thống định vị những chiếc xe cứu thương đang trong trạng thái sẵn sàng và điều xe đến vị trí của người bệnh. 

Theo bác sĩ Thắng, hiện nay Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có 14 xe cứu thương trực luân phiên 24 tiếng và nghỉ 48 tiếng, nên không đủ nhân lực và xe để đáp ứng nhu cầu người dân. Thành phố Hà Nội đã đồng ý thông qua đề án yêu cầu sự phối hợp và hỗ trợ từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Theo đó, các nhân viên phòng điều hành của Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ đóng vai trò điều phối và yêu cầu sự hỗ trợ từ các bệnh viện trên địa bàn.

Mặc dù đã có sự hỗ trợ, nhưng trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp, các xe cứu thương cũng không thể nào đáp ứng được, dẫn đến tình trạng quá tải. Cũng tại thời điểm nhạy cảm này, đã có nhiều nhân viên y tế của Trung tâm xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, thế nên nhân sự lại càng hiếm hoi hơn. Bước vào phòng điều hành, trước mắt chúng tôi là khoảng 7 nhân sự đang trực với hàng chục chiếc điện thoại bàn thi nhau réo gọi. 

Tổng đài nóng trung chuyển bình an -0
 Mỗi cuộc điện thoại gọi tới tổng đài 115 là một tình huống khẩn cấp. (Ảnh: MINH DUY)

“Alo, cấp cứu nghe ạ! Anh có biểu hiện ho sốt gì không? Anh có bệnh nền gì không? Anh cố gắng bình tĩnh nhé, hít thở thật đều, hiện tại các xe cấp cứu đều bận. Tôi đang cố gắng tìm xe gần nhất. Anh thật bình tĩnh nhé!”. Nói xong, anh điều dưỡng đưa mắt nhìn màn hình theo dõi chuyến xe rồi lại ngay tức khắc nhận một cuộc điện thoại khác. Tầm 5 phút sau, anh gọi lại cho bệnh nhân lúc nãy để tiếp tục cập nhật tình trạng và thông báo: “Chúng tôi đã điều được xe, bác sĩ đang trên đường đến, anh chị thật bình tĩnh và giữ điện thoại nhé”

Tranh thủ vài phút ít ỏi ăn trưa, điều dưỡng Lê Đức Lam, người có thâm niên 18 năm công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết: “Nhiều lúc chưa điều kịp xe, người nhà bệnh nhân không hiểu nên mắng mình bằng những lời lẽ cọc cằn, khó nghe là chuyện thường. Nhưng mỗi ngày, mình nghe cả ngàn cuộc điện thoại, chẳng lẽ cuộc nào mình cũng phản ứng với họ? Mà mình là nhân viên y tế, nên cũng hiểu tâm lý người nhà bệnh nhân. Những lúc như vậy, họ thật sự cần những lời an ủi, trấn tĩnh nhiều hơn”.

Điều dưỡng Lam cũng cho biết thêm, có ngày cao điểm, tổng đài 115 nhận gần 2.000 cuộc gọi. Trong đó, không thiếu những cuộc gọi cấp cứu do…đứt tay chảy máu hay trầy chân. Chẳng những vậy, không ít người gọi liên tục chỉ để...trêu chọc những nhân viên y tế.

“Tôi không giận họ. Tôi chỉ lo cho những người thật sự cần cấp cứu lại chẳng thể gọi được vì kẹt đường dây do những người quấy phá”, điều dưỡng Lam chia sẻ.

Tổng đài nóng vì sự bình an của người bệnh, người bị nạn -0
Tổng đài dò tìm những chiếc xe cứu thương đang trong trạng thái sẵn sàng để điều phối tới hiện trường nhanh nhất có thể. (Ảnh: MINH DUY) 

Cũng là nghe điện thoại, nhưng với một vài ngành nghề khác, người trực sẽ cảm thấy vui mừng, hoan hỉ vì cứ mỗi lần có điện thoại thì lại có thêm doanh thu. Thế nhưng, ở phòng điều hành của tổng đài đường dây nóng 115, chẳng ai mong điện thoại, vì mỗi cuộc điện thoại reo lên đều là một tình huống nguy cấp.

Có mặt trên mọi nẻo đường

Nhận được lệnh báo từ phòng điều hành, đội trực gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và bác tài bỏ vội chén cơm đang ăn dở, khử khuẩn cơ thể, khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ rồi lao thẳng lên chiếc xe cấp cứu đang chờ sẵn. Không một động tác thừa, ê-kíp cấp cứu và chiếc xe cứu thương rời khỏi cổng Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội trong chưa đầy 5 phút kể từ khi nhận thông tin. 

Tổng đài nóng trung chuyển bình an -0
 Mỗi ê-kíp cấp cứu gồm gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và lái xe. (Ảnh: MINH DUY)

Đây là một ca chuyển F0 có chuyển biến xấu, cần được đưa tới bệnh viện. Trường hợp này ở ngoại thành Hà Nội, nên bác tài phải tìm được con đường ngắn nhất để đi. 

“Lái xe cứu thương rất đặc thù, vì vừa phải đến nơi kịp lúc để cấp cứu cho bệnh nhân, vừa phải bảo đảm an toàn giao thông trên đường, nên công việc nhiều lúc rất căng thẳng”, ông Vũ Huy Thành, người có thâm niên lái xe cứu thương hơn 30 năm chia sẻ.

Trên xe, lực lượng y tế đang vô cùng sốt ruột để tới chỗ bệnh nhân, thế nhưng khi chiếc xe rẽ đến gần cầu Chương Dương để đi sang khu ngoại thành, một vài người dân thiếu ý thức gây cản trở giao thông của xe cứu thương dù còi đang kêu và đèn đang chiếu sáng. Ông Thành cho biết: “Tình trạng này xảy ra thường xuyên lắm, nhiều người còn mắng chúng tôi vì thấy trên xe không có người bệnh. Nhưng họ không biết rằng, khi không có người bệnh trên xe, lúc ấy mới là lúc khẩn cấp. Vì đây là lúc chúng tôi phải nhanh chóng đến cấp cứu cho bệnh nhân. Còn khi có người bệnh đã ở trên xe rồi thì tình hình đã được kiểm soát ổn hơn rồi”.

Xe đến nơi, các nhân viên y tế nhanh chóng vào nhà, hỏi thăm tình hình và cấp cứu bệnh nhân. Tuy là cấp cứu nhưng không khí không quá căng thẳng, các nhân viên y tế liên tục trấn an, động viên và dặn dò bệnh nhân và người nhà, giúp mọi người trở nên bình tĩnh hơn. 

Tổng đài nóng trung chuyển bình an -0
 Những lời trấn tĩnh, an ủi, động viên luôn cần thiết đối với các bệnh nhân buộc phải nhờ cậy đến đội cấp cứu 115. (Ảnh: MINH DUY)

“Nhiều trường hợp, tại hiện trường có 2 bệnh nhân, một người chảy máu còn một người thì không. Chúng tôi chia nhau ra thăm khám, sơ cứu rồi quyết định đưa người không chảy máu lên xe trước. Những người ở hiện trường không hiểu chuyện, liền chửi bới rồi định hành hung chúng tôi, nhưng thực tế là đôi khi những vết thương hở có chảy máu lại không nguy hiểm bằng những vết thương bên trong, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Những điều này chỉ có người biết về chuyên môn mới có thể nhận ra, nên mình không thể trách họ, cứ tiếp tục công việc cứu người của mình thôi”, Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Hải, Trạm trưởng Trạm cấp cứu chia sẻ.

Gọi là cấp cứu, nhưng các y bác sĩ ở đây cho biết họ không chỉ làm chuyên môn y tế, mà còn làm cả những công việc “không tên”. Bên cạnh thăm khám ban đầu, họ cũng phải vận chuyển bệnh nhân từ nhà ra xe. Trong nhiều trường hợp, nhà bệnh nhân ở tầng cao nhưng không có thang máy, các y bác sĩ cũng phải làm công tác vận chuyển, đôi lúc còn chuyển luôn cả đồ đạc. 

Tổng đài nóng trung chuyển bình an -0
Bữa cơm ăn vội và muộn giờ của ê-kíp trực xe cấp cứu. (Ảnh: MINH DUY) 

Kết thúc ca cấp cứu F0 tại ngoại thành, chiếc xe lại quay về Trung tâm, lại được tẩy rửa, khử khuẩn và rồi các nhân viên y tế lại tiếp tục bữa ăn trưa của mình còn dang dở lúc 4 giờ chiều. Lẽ ra, là những nhân viên y tế, họ là những người ý thức được tầm quan trọng của bữa ăn đúng giờ. Thế nhưng, khi có những ca cấp cứu dồn dập giống như hôm nay, nhiều bữa trưa của các y bác sĩ, tài xế xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 bắt đầu lúc 4 giờ chiều và bữa tối bắt đầu lúc 11 giờ đêm. 

Các bác sĩ, điều dưỡng và lái xe cùng nhau ngồi vào bàn ăn cũng là lúc chúng tôi nói lời chào và ra về. Bước qua khỏi dãy xe cấp cứu đã được khử trùng nằm đợi sẵn, chúng tôi đi qua cánh cửa Trung tâm, bất giác trong phòng nghỉ của ê-kíp cấp cứu lại réo lên một tiếng chuông gấp gáp...

Tổng đài nóng trung chuyển bình an -0
 Xe cấp cứu 115 luôn được tẩy rửa, khử khuẩn sạch sẽ sau mỗi chuyến chở bệnh nhân, người bị nạn. (Ảnh: MINH DUY)

115 trong công tác chống dịch

Trong đợt dịch Covid-19, Trung tâm Cấp cứu 115 là đơn vị nòng cốt tham gia phòng, chống dịch. Từ tháng 12 năm 2019, khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện trên thế giới, 115 đã được Bộ Y tế yêu cầu hỗ trợ chuyển các bệnh nhân nhập cảnh từ nước ngoài về đến các bệnh viện, khu vực cách ly. 

Qua từng cấp độ dịch, từ khi dịch nổ ra đến khi bùng phát dữ đội, 115 đều nhận nhiệm vụ vận chuyển và cấp cứu bệnh nhân. Vào thời điểm số lượng F0 tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày tại Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ chỉ vận chuyển các bệnh nhân F0 đã chuyển nặng thuộc tầng 2 hoặc 3. Điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có trách nhiệm nặng nề hơn, phải trang bị kiến thức nhiều hơn và gia tăng năng suất làm việc trong mùa dịch.

Trung tâm Cấp cứu 115 là một đơn vị cấp cứu ngoài bệnh viện. Họ không phải là một bệnh viện nào cả. Thế nhưng, 115 đã trở thành một trong ba số điện thoại quan trọng nhất của người dân. Bất cứ khi nào rơi vào tình huống nguy cấp có liên quan đến sức khoẻ, người ta sẽ nhớ đến 115, cũng như phương châm làm việc của 115: “Không để bệnh nhân nào không được cấp cứu”.

Tổng đài nóng trung chuyển bình an -0
 Những chuyến xe cấp cứu 115 lại vội vã lên đường, tới nơi những người bệnh đang chờ đợi. (Ảnh: MINH DUY)

Người tài xế ngành y và những chuyến xe đặc biệt