Tập trung kiểm soát nhanh ổ dịch trong các khu công nghiệp

Chiều 16-5 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, nơi có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong đợt dịch này.

Theo báo cáo của lãnh đạo hai địa phương (nhất là tỉnh Bắc Giang) tình hình dịch Covid-19 đã rất phức tạp. Công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn khi đội ngũ nhân lực vừa thiếu vừa chưa có kinh nghiệm; thiếu phương tiện, vật tư hóa chất phòng, chống dịch; năng lực xét nghiệm thấp trong khi nhu cầu thực tế rất cao… Tỉnh Bắc Giang đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch và cả trong hoạt động điều trị; hỗ trợ chuyên môn, nhất là các chuyên gia đầu ngành trong truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm…

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nêu rõ, dịch lây lan nhanh ở Bắc Giang là do đặc thù khu công nghiệp đông người, làm việc trong môi trường kín và biến chủng vi-rút lây lan nhanh… Do vậy tỉnh cần tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch, tinh thần là phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong các khu công nghiệp. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Quân y, y tế công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng cùng với xe xét nghiệm lưu động để chi viện kịp thời trong tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn tại khu công nghiệp đông công nhân. Ðồng thời lưu ý hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh không để dịch lây lan trong khu cách ly; nghiên cứu thực hiện cách ly trong ký túc xá, khu nhà ở của công nhân (nơi có cơ sở vật chất bảo đảm). Ðối với các cơ sở chuyên điều trị người bệnh Covid-19, cần tập trung điều trị người bệnh nặng và có bệnh nền. Nếu quá khả năng thì mời các chuyên gia hoặc phải chuyển ngay lên tuyến trên, tuyệt đối không để biến chứng nặng và bị chết.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh, việc khai báo y tế liên quan vùng dịch đã được quy định khá đầy đủ, nhưng trong thực tiễn có những nơi làm không nhất quán; việc khai báo bằng tin học còn phức tạp và một số người cố tình không hoàn thành trách nhiệm khai báo y tế… Do đó, Bộ Y tế cần rà soát lại các hướng dẫn, bảo đảm để người dân thực hiện khai báo đầy đủ, với những người không khai báo sẽ có trợ giúp. Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong việc thực hiện khai báo y tế. Mặt khác, yêu cầu các bộ liên thông dữ liệu để thuận tiện cho người dân trong quá trình thực hiện khai báo y tế. Bộ Y tế khẩn trương ban hành các tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh theo mức độ có nguy cơ ở các địa bàn và quy định các đối tượng phải khai báo y tế bắt buộc phù hợp tình hình chống dịch. Ngoài các đối tượng đã bắt buộc (người trở về từ vùng đang có dịch, người đi máy bay, người đến bệnh viện) Phó Thủ tướng yêu cầu đưa thêm nhóm sinh viên đại học, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tập trung cũng phải bắt buộc khai báo y tế.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, bản chất của giãn cách xã hội (hay cách ly xã hội, phong tỏa) là để tránh tiếp xúc giữa người mang vi-rút và người chưa mang vi-rút nhằm làm chậm lại và tiến tới cắt đứt chuỗi lây của vi-rút. Nhưng không quốc gia nào, địa phương nào có thể giãn cách xã hội liên tục, vì thế, việc giãn cách, phong tỏa chỉ là giải pháp tạm thời. Với "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch, như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã thống nhất thì chúng ta thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để không bị dịch xâm nhập; khi có mầm bệnh, phải truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch nhanh nhất, gọn nhất có thể. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang làm rất đúng, chỉ giãn cách ở địa bàn nguy cơ cao. Do vậy cố gắng phát hiện được nguy cơ, thực hiện phong tỏa càng thu hẹp càng tốt, đồng thời kiểm soát chặt chẽ không được để lây trong khu cách ly.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 16-5, cả nước ghi nhận 190 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh từ 3.986 đến 4.175), trong đó có ba ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 187 ca ghi nhận trong nước tại tỉnh Bắc Giang (98 ca), Bắc Ninh (47 ca), Ðiện Biên (năm ca), Hòa Bình (một ca), Hưng Yên (một ca), Ðà Nẵng (12 ca), Ðiện Biên (bảy ca), Hà Nam (sáu ca), Hải Dương (hai ca), Hà Nội (ba ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (năm ca). Số ca mới ở khu cách ly 84 ca; số ca mới trong khu vực được phong tỏa 103 ca. Tất cả số ca mắc Covid-19 trong ngày đều liên quan dịch tễ với các ổ dịch đã được công bố từ trước. Các người bệnh đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện: Ða khoa tỉnh Hòa Bình; dã chiến Ðiện Biên Phủ; dã chiến Gia Bình, Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh); dã chiến tỉnh Bắc Giang; Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương; Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; Trung tâm Y tế huyện Long Ðiền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

* Chiều 16-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội dự lễ xuất quân hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19. Ðoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội gồm 20 chuyên gia lên đường đến Khu công nghiệp Vân Trung nhằm hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp có quy mô gần 100 nghìn công nhân, trong đó đã phát hiện hơn 150 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ðoàn công tác sẽ tiếp nhận hoàn toàn việc xét nghiệm, truy vết tại Khu công nghiệp Vân Trung, tham gia việc bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn toàn bộ khu công nghiệp; hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại khu công nghiệp; hướng dẫn tổ chức điều tra truy vết, cách ly, khoanh vùng; tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm tại chỗ…

* Ngày 16-5, Bộ Y tế có Công điện đề nghị UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và thủ trưởng các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch trước và trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội (ÐBQH) khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ chức rà soát và thường xuyên cập nhật dự báo tình hình dịch của địa phương; bổ sung các phương án, giải pháp phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng kịp thời ứng phó các tình huống phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ bầu cử; bổ sung phương án, kế hoạch bầu cử cho cử tri đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đang được cách ly và đang điều trị bệnh; tại các địa phương đang phát hiện ca nhiễm, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm SARS-CoV-2. Các địa điểm tổ chức bầu cử bảo đảm thông thoáng, cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra theo một chiều; thực hiện bầu cử theo cụm dân cư và theo thời gian; ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để phục vụ công tác quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2. Ðồng thời, bảo đảm giãn cách và thực hiện giãn cách và tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử; không để những người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-Cov-2 tham gia Tổ bầu cử và hoạt động bầu cử…

* Theo tin từ Bộ Y tế, chiều 16-5, hơn 1,682 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX facility đã được chuyển giao cho Việt Nam. Toàn bộ lô vắc-xin này sẽ được chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư bảo quản, chờ kiểm định trước khi phân phối cho các tỉnh triển khai tiêm đợt ba. Ðây là lô vắc-xin AstraZeneca thứ hai của COVAX facility phân phối cho Việt Nam. Bộ Y tế sẽ tiến hành phân bổ nguồn vắc- xin này cho tất cả các đơn vị địa phương để thực hiện công tác tiêm chủng phòng, chống dịch Covid-19 theo kế hoạch đã đề ra. Ðược biết, tính đến ngày 15-5, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt một và hai tại các tỉnh, thành phố, với 977.032 liều cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

* Ngày 16-5, tỉnh Hậu Giang tổ chức diễn tập cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực 3, phường 1, TP Vị Thanh. Cuộc diễn tập cũng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương để kiểm soát, quản lý chặt chẽ nhân khẩu đi, đến trong mỗi gia đình, tổ dân cư, khu phố, ấp, khu vực trong địa phương, kiên quyết khống chế không để dịch bệnh lây lan; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả ở địa phương…

* Chiều 16-5, Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tái thành lập Bệnh viện dã chiến theo yêu cầu của Bộ Y tế và đã tiếp nhận, điều trị khoảng 300 người là người bệnh cùng người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện K Trung ương chuyển về nhằm bảo đảm tốt hơn việc bảo vệ và điều trị nhóm bệnh nhân yếu thế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Cùng ngày, gần 270 sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã lên đường tới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

* Ngày 16-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, tổ kiểm tra liên ngành các địa phương trên địa bàn đã kiểm tra việc không đeo khẩu trang và nhắc nhở 11.179 trường hợp; cảnh cáo 305 trường hợp và xử phạt: 711 trường hợp quy tiền phạt 526 triệu đồng.

* Ngày 16-5, tỉnh Ðiện Biên cho biết ổ dịch tại trung tâm xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đang diễn biến ngày càng phức tạp; gia tăng nhanh số F0; F1 phải cách ly tập trung nhiều người gồm cả cán bộ, công chức các phòng, ban của huyện gây khó khăn về nhân lực và thiếu trang thiết bị, thực phẩm trong các khu cách ly. Ðể hỗ trợ Nậm Pồ truy vết, khám sàng lọc và đưa người đi cách ly, ngành y tế đã triển khai hai đợt tăng cường với gần 100 cán bộ, nhân viên y tế từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Mường Lay hỗ trợ phòng, chống dịch tại ổ dịch xã Si Pa Phìn.

* Chiều 16-5, tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức trao tặng nhiều thiết bị phòng, chống dịch Covi-19 cho hai tỉnh Chăm-pa-xắc và tỉnh Xa-van-na-khệt của Lào. Theo đó, tỉnh Quảng Bình hỗ trợ nhiều thiết bị phòng, chống dịch như máy thở, máy phun hóa chất, máy tạo oxy, nhiệt kế, khẩu trang y tế, trang phục chống dịch và một số nhu yếu phẩm khác. Tổng giá trị các phần quà trao tặng hai tỉnh của nước bạn Lào hơn 2,2 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Quảng Bình cũng đã trao hỗ trợ các thiết bị phòng, chống dịch, cùng nhu yếu phẩm khác cho tỉnh Khăm Muộn giá trị hơn 2,2 tỷ đồng.

Bộ Y tế có thông báo khẩn đề nghị những hành khách trên chuyến xe khách mang BKS 30V - 4157 tuyến Hà Nội - Lạc Sơn, Hòa Bình khởi hành lúc 8 giờ ngày 7-5 liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ tư vấn; gọi điện thoại đến các đường dây nóng: Bộ Y tế 1900.9095; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội: 0969.082.115 - 0949.396.115; CDC Hòa Bình: 02183.857.005 cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần mình. Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm học 2020-2021. Theo Bộ GD và ÐT, đến nay, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình và đang tập trung ôn thi tốt nghiệp; hầu hết các địa phương trong cả nước bảo đảm hoàn thành năm học trước ngày 31-5 theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021. Ðối với một số địa phương tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường để hoàn thành năm học, Sở GD và ÐT cần báo cáo Bộ GD và ÐT và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học sau ngày 31-5 phù hợp tình hình thực tế và khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021…

Các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức tốt cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp theo hướng kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục; đặc biệt quan tâm, động viên, hỗ trợ các học sinh thuộc đối tượng F1, F2 đang phải thực hiện cách ly theo quy định được tham gia ôn thi bằng hình thức trực tuyến.