Tập trung kéo giảm số ca tử vong do Covid-19

Cùng với việc tăng về số ca mắc, trong khoảng một tháng nay, số người chết liên quan Covid-19 cũng liên tục tăng. Chiều 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc họp trực tuyến với ngành y tế 10 tỉnh, thành phố đang có số ca mắc Covid-19 và chết cao để thống nhất các biện pháp hạn chế, tiến tới giảm tử vong.

Một bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: QUỐC DŨNG
Một bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: QUỐC DŨNG

Một tuần nay, mỗi ngày số ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mặc dù giảm nhiều so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 8, nhưng đang có xu hướng tăng trở lại, tập trung ở nhóm người có bệnh lý nền, người hơn 50 tuổi.

Quá tải tầng điều trị bệnh nhân có triệu chứng nặng

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua khảo sát gần đây đối với 151 trường hợp tử vong do Covid-19, thì trong đó có 18 ca mắc bệnh nền. Theo thống kê, hơn 75% số trường hợp này chưa tiêm mũi vắc-xin nào hoặc chưa tiêm đủ hai mũi. Có nhiều yếu tố liên quan việc không tiêm như do chống chỉ định hoặc người lớn tuổi không có điều kiện hoặc ngại tiếp cận vắc-xin. Các trường hợp này khi mắc Covid-19 thì khả năng tử vong sẽ cao hơn. Đối với trường hợp tiêm đủ hai mũi vắc-xin vẫn tử vong, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai lý giải, thời gian qua, mặc dù độ phủ vắc-xin của thành phố rất rộng, tuy nhiên khi số F0 tăng thì có từ 15 đến 20% diễn tiến nặng, trong đó hầu hết là người cao tuổi, người có bệnh nền. Trong số những người có diễn tiến nặng thì có khoảng 5% chuyển biến rất nặng.

Hiện Cần Thơ đã tiêm tổng số 1.866.174 liều vắc-xin, trong đó có 1.020.152 mũi 1 và 846.022 mũi 2, tỷ lệ tương ứng 96,9% và 89,2% người hơn 18 tuổi. Mặc dù tỷ lệ phủ vắc-xin khá cao, nhưng số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng trong hai tuần qua đã gây áp lực và quá tải cho hệ thống y tế của thành phố. Hiện nay, Cần Thơ có 9.994 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà (tầng 1), có 2.625 bệnh nhân điều trị tại tầng 2 và 298 bệnh nhân điều trị tại tầng 3, gần như không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân mới. “Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị có 100 bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ, 20 bệnh nhân thở HFNC, 4 bệnh nhân thở máy không xâm lấn và 25 bệnh nhân thở máy xâm lấn”, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang cho biết.

Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tại quận Ô Môn, đơn vị “chuyên” điều trị bệnh nhân Covid-19 qua bốn đợt dịch bệnh, hiện cũng không còn giường trống. Bệnh viện này có 150 giường điều trị Covid-19, nhưng đã tiếp nhận 151 bệnh nhân, hiện không thể tiếp nhận thêm.

Bệnh nhân Trần Hoàng Nhi, nhà số 178, đường 26/3, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ hiện là F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người nhà anh Nhi đã nhiều lần thông báo, liên hệ với cơ quan chức năng và cán bộ y tế địa phương nhưng suốt nhiều ngày không có bất kỳ cán bộ y tế nào đến hướng dẫn hỗ trợ điều trị, cách ly tại nhà. “Gia đình tôi rất lo lắng vì không biết ứng phó ra sao, trong khi ở phường chỉ giao cho cái biển “Nhà đang cách ly y tế, điều trị Covid” cho người nhà về tự treo trước cửa, gia đình phải tự đi mua thuốc điều trị chứ phường không cấp thuốc. Sau khi phản ánh lên lãnh đạo quận Ô Môn thì có hai người xuống hỏi xem đã mua được thuốc gì, xem qua loa rồi về. Đến tối 29/11, chồng tôi trở nặng thì mới có lực lượng y tế đến đưa đi điều trị tại bệnh viện”, vợ anh Nhi cho biết.

Tại tỉnh Đồng Tháp, trong một tuần gần đây đã ghi nhận 30 ca tử vong do Covid-19. Đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân, khi toàn tỉnh có đến gần 140 ca nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng đang được điều trị tầng 3 là tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp. “Với đà tăng số ca nhiễm như hiện nay thì thời gian tới, có thể sẽ thiếu hụt nhân lực y tế để điều trị những ca nặng và rất nặng, dẫn đến tỷ lệ tử vong còn tăng hơn nữa”, bác sĩ Tạ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cảnh báo. Về nguyên nhân số ca tử vong tăng cao, bác sĩ Tạ Tùng Lâm cho biết, có tình trạng nhiều người dân không khai báo khi có dấu hiệu mắc Covid-19. Đến khi có triệu chứng nặng thì mới đến các cơ sở y tế, qua xét nghiệm sàng lọc trước khi vào điều trị bệnh mới phát hiện F0. Một nguyên nhân khác là có tình trạng nhân viên y tế tuyến xã khi tiếp nhận bệnh nhân để đưa vào khu cách ly tạm thời đã không thực hiện phân loại kỹ. Do đó, có những trường hợp giấu bớt bệnh để được ở lại điều trị tại nhà, ở lại điểm cách ly tuyến xã, dễ dẫn đến bệnh nhân tử vong, dù được đưa đi điều trị hồi sức tích cực một thời gian.

Chiến thuật “đánh chặn từ xa”

Để giảm số ca mắc Covid-19 cũng như tỷ lệ tử vong, TP Hồ Chí Minh thực hiện chiến thuật “đánh chặn từ xa”. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Để đạt mục tiêu hạn chế số ca nặng, ngành y tế xác định chăm sóc sớm F0 ngay từ khi mới phát hiện là việc quan trọng nhất. Chiến thuật của thành phố là y tế địa phương quản lý chặt F0, tiếp cận trong vòng 24 giờ, đánh giá tình hình, có biện pháp hỗ trợ kịp thời như phát các túi thuốc. Sau đó, F0 được chăm sóc đầy đủ, phù hợp tình trạng riêng. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, người bệnh được đưa vào khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Ngành y tế tăng cường sử dụng túi thuốc C (kháng vi-rút) giúp người bệnh sớm âm tính, giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Đại diện Sở Y tế cho biết: Sở có công văn trình Bộ Y tế xin 100 nghìn túi thuốc C để cấp cho F0 đang cách ly, điều trị. “Nguyên tắc giảm tử vong là giảm F0, giảm trường hợp nhập viện. Muốn được như vậy thì người dân phải nâng cao ý thức cộng đồng là thực hiện 5K và tiêm vắc-xin. Người đã tiêm đủ hai liều vắc-xin cũng không nên lơ là, vẫn phải thực hiện nghiêm 5K”-bà Huỳnh Mai nhấn mạnh.

Cần Thơ đang tổ chức thêm nhiều bệnh viện dã chiến, tăng cường điều trị tích cực tầng 3. Đặc biệt là triển khai cho uống thuốc kháng vi-rút Molnupiravir trong những ngày tới thì việc điều trị sẽ cải thiện hơn, giảm nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất. Để giảm áp lực cho hệ thống y tế trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc phân tầng điều trị. Trong đó, tầng 1 do các trạm y tế lưu động và trạm y tế quản lý và điều trị F0 tại nhà; tầng 2 tại các bệnh viện trên địa bàn có 2.750 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 không đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà, F0 đang quản lý tại nhà có diễn biến vượt khả năng chuyên môn của trạm y tế; tầng 3 có 350 giường điều trị các bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân có bệnh lý nền…

Trước thực trạng nhân viên y tế tuyến xã khi tiếp nhận bệnh nhân để đưa vào khu cách ly tạm thời đã không thực hiện phân loại kỹ, từ ngày 30/11, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã cho kiểm tra lại hai đầu (cả đơn vị chuyển và nhận bệnh nhân) để tiếp tục phân loại, sắp xếp F0 cho hợp lý, từ đó sẽ điều chỉnh được tính hiệu quả trong phân tầng điều trị F0, giảm được số ca nguy cơ tử vong do phát hiện bệnh chậm. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Quốc Phong yêu cầu Tiểu ban điều trị và các đơn vị cơ sở phải theo dõi kịp thời các F0 tại các khu tiếp nhận một cách đầy đủ trách nhiệm, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót thông tin, dẫn tới xử lý chậm tình huống. Các cơ sở điều trị phải bảo đảm cơ chế kiểm tra, theo dõi việc thăm khám bệnh nhân. Nếu các F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ đột ngột chuyển nặng mà không theo dõi kịp thời thì không chỉ người già bệnh nền mà người trẻ cũng tử vong. Do đó, việc phân tầng điều trị, không có nghĩa là buông lỏng khâu theo dõi sức khỏe của nhóm F0 đang nằm trong tầng điều trị, dù là bệnh nhân không có triệu chứng.

Để giảm tử vong do Covid-19, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương cần rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục những bất cập trong tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn, tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị ở các tuyến; cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị phòng hộ cá nhân cho các bệnh viện; sẵn sàng đủ oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện tầng 1, 2, 3. Thực hiện đầy đủ việc “phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” ngay từ tổ Covid cộng đồng, trạm y tế đến các sở thu dung, điều trị. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người nhiễm Covid-19 ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp. Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng… bố trí mỗi bệnh viện có ít nhất “hai tầng điều trị” để thuận tiện điều trị và chuyển tầng nội viện…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các địa phương rà soát tiêm vét vắc-xin phòng Covid-19 ngay cho những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vắc-xin, nhất là người hơn 50 tuổi và người có bệnh nền. Đồng thời có kế hoạch và chuẩn bị tiêm mũi ba vắc-xin phòng Covid-19. Quá trình điều trị tại các bệnh viện, kể cả điều trị tại nhà cũng cần kết hợp tốt ba yếu tố: Thuốc, tinh thần, chăm sóc dinh dưỡng. Các địa phương đang có số mắc cao, nhất là những tỉnh có số dân đông cần chuẩn bị tốt công tác hậu cần, trang thiết bị, thậm chí chuẩn bị cả các trung tâm điều trị quy mô lớn để sẵn sàng ứng phó khi số người mắc Covid-19 phải nhập viện tăng cao. Hiện số ca mắc Covid-19 nặng ở mức cao (5,8% tổng số ca đang điều trị), cho nên Phó Thủ tướng lưu ý, việc điều trị cần thực hiện sớm, hiệu quả từ tầng dưới vì càng lên tầng trên càng khó khăn.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ngày 1/12, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị. Theo hướng dẫn này, việc phân loại nguy cơ cũng chia theo 4 nhóm: nguy cơ thấp (mầu xanh); nguy cơ trung bình (mầu vàng); nguy cơ cao (mầu cam); nguy cơ rất cao (mầu đỏ). Mỗi nhóm nguy cơ sẽ có một cách xử lý phù hợp.